Không chỉ nợ số tiền lớn mà thời gian nợ cũng kéo dài cả chục năm, dù đã liên tục bị cơ quan thuế công khai bêu tên lên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Theo Cục thuế TP Hà Nội, hiện có khoảng 324 doanh nghiệp trên địa bàn có số nợ thuế từ 10 tỷ đồng trở lên, trong đó có hàng chục doanh nghiệp nợ thuế lớn lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Mới đây, Cục thuế TP Hồ Chí Minh cũng công danh danh sách hàng nghìn doanh nghiệp nợ thuế, trong đó số doanh nghiệp nợ thuế hàng trăm tỷ đồng cũng không hiếm.
Điều đáng bàn, dù không có tiền đóng thuế, nhưng hầu hết các doanh nghiệp trên đều vẫn đang hoạt động sản xuất kinh doanh, trả lương cho người lao động một cách bình thường.
Có thể thấy, tình trạng doanh nghiệp chây ì, cố tình không nộp thuế đã không còn là câu chuyện mới. Thế nhưng nộp thuế là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp. Luật cũng đã quy định, cơ quan thuế có quyền áp dụng 7 biện pháp cưỡng chế để tiến hành thu hồi nợ thuế như: trích tiền từ tài khoản, khấu trừ tiền lương, dừng làm thủ tục hải quan, cưỡng chế hóa đơn, kê biên tài sản, thậm chí là thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh.
Đối với trường hợp các doanh nghiệp "chây ì", nợ thuế kéo dài, Cục Thuế Hà Nội cho biết sẽ tiến hành thanh tra đột xuất, toàn diện để có cơ sở báo cáo đề xuất UBND thành phố và Tổng cục Thuế, các biện pháp cao hơn như: thu hồi dự án, kê biên tài sản, thu tiền từ bên thứ 3 và cao nhất thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh sẽ được áp dụng. Theo các chuyên gia, việc áp dụng các biện pháp mạnh là điều cần thiết.
Trong 4 năm trở lại đây, số nợ thuế trên dưới 90 ngày trên địa bàn TP Hà Nội đã giảm hơn 9.400 tỷ đồng, tương đương với 43% số nợ đọng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!