Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 5 tháng đầu năm là 10,86 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Tình hình đầu tư và sản xuất dự báo sẽ còn thu hẹp tại nhiều quốc gia châu Âu và Mỹ. Những khó khăn từ bên ngoài này đòi hỏi Việt Nam cần đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, từ đó thúc đẩy thu hút đầu tư trong bối cảnh mới.
Theo trang EIN News, cổ phiếu các công ty kinh doanh nông nghiệp Việt Nam đã tăng mạnh thời gian gần đây. Nhóm nghiên cứu thị trường Euromonitor International cho biết, nhu cầu đường được dự báo sẽ tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2022. Lĩnh vực chăn nuôi trong tháng qua đã thu hút dòng tiền mạnh sau khi giá thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt và nhu cầu tiêu thụ thịt lợn đang phục hồi, giúp cải thiện biên lợi nhuận của các nhà sản xuất thịt.
Trong bối cảnh đó, nhu cầu toàn cầu sụt giảm đã làm suy giảm hoạt động sản xuất trên khắp châu Âu và Mỹ, là thách thức lớn đối với nhiều nhà xuất khẩu lớn của châu Á, theo Reuters. Tại Việt Nam, chỉ số nhà quản trị mua hàng giảm, hoạt động của các nhà máy giảm trong tháng 5.
Những khó khăn từ bên ngoài đòi hỏi Việt Nam cần đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, từ đó thúc đẩy thu hút đầu tư trong bối cảnh mới. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Theo Vietjo, số lượng công ty, chi nhánh, phòng kinh doanh, văn phòng đại diện nước ngoài mới thành lập trên toàn Việt Nam trong tháng 5 năm nay tăng 41,08% so với tháng trước đó.
Nhật báo kinh tế Hàn Quốc (Korea Economic Daily) đưa tin, nhà sản xuất thiết bị chip Hàn Quốc Hanmi Semiconductor cho biết đã thành lập một công ty con tại Bắc Ninh, Việt Nam.
Còn Port Technology International, cổng thông tin công nghệ hàng đầu thế giới về cảng và bến cảng, cho biết Công ty Trelleborg Marine and Infrastructure (Thụy Điển) sắp mở một nhà máy hiện đại tại Việt Nam. Nhà máy dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025, bắt đầu đi vào sản xuất vào năm 2026, và đặt tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
"Dự báo về việc gián đoạn nguồn cung lương thực sẽ làm cho nhu cầu cao hơn, ảnh hưởng tốt đến tâm lý cũng như kỳ vọng về triển vọng của ngành nông nghiệp. Thị trường đã có mức tăng rất ấn tượng. Tháng 3, tháng 4, chúng ta thấy Ngân hàng Nhà nước có 3 lần cắt giảm lãi suất. Lợi suất của thị trường so với phần lãi suất tiền gửi thì thị trường chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn", ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích chứng khoán, Ngân hàng đầu tư Maybank Việt Nam, đánh giá.
"Chúng tôi nhận thấy rằng xu hướng thu hẹp sản xuất tại châu Âu và Bắc Mỹ là do nhu cầu hàng hóa, dịch vụ giảm. Điều đó không ảnh hưởng tới Việt Nam. Theo báo cáo triển vọng kinh doanh của chúng tôi, 90% doanh nghiệp Đức muốn tiếp tục, hoặc thậm chí mở rộng kinh doanh tại Việt Nam dù có những thách thức", ông Marko Walde, Trưởng đại diện, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam), cho biết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!