Nhiều ngân hàng được chấp thuận tăng vốn điều lệ

VTV Digital-Thứ hai, ngày 05/06/2023 16:23 GMT+7

(Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)

VTV.vn - Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn về việc chấp thuận cho một số ngân hàng tăng vốn điều lệ thông qua nhiều phương án.

Theo đó, các ngân hàng được chấp thuận tăng vốn điều lệ gồm: Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank).

Các ngân hàng tăng vốn điều lệ thông qua các phương án phát hành cổ phiếu để chia cổ tức, chào bán riêng lẻ, phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài… Tổng số vốn điều lệ dự kiến tăng của các ngân hàng khoảng hơn 23.000 tỷ đồng.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn gửi Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) về việc chấp thuận cho ngân hàng này tăng vốn điều lệ từ 17.291 tỷ đồng lên mức 28.676 tỷ đồng thông qua nhiều phương án.

Thứ nhất, LPBank sẽ phát hành 328,5 triệu cổ phiếu có giá trị tối đa 3.285,3 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 19%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu cũ sẽ được nhận 19 cổ phiếu mới.

Phương án thứ hai, LPBank chào bán 500 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng với 5.000 tỷ đồng; và chào bán riêng lẻ 300 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài với 3.000 tỷ đồng.

Cuối cùng, ngân hàng này dự tính phát hành 10 triệu cổ phiếu, khoảng 100 tỷ đồng theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).

Sau khi hoàn thành xong các phương án phát hành trên, LPBank dự kiến tăng vốn điều lệ thêm tổng cộng 11.385 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2023 - 2024.

Ngân hàng Nhà nước cũng chấp thuận cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank) tăng vốn điều lệ thêm tối đa gần 6.199 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, HĐQT TPBank đã đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ lên 22.016 tỷ đồng thông qua chia cổ tức tỷ lệ 39,19% bằng cổ phiếu. TPBank sẽ phát hành gần 619,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tương đương tỷ lệ 39,19%. Thời gian phát hành dự kiến là trong năm 2023.

Nguồn vốn đến từ lợi nhuận để lại chưa phân phối lũy kế đến năm 2021 là hơn 1.536 tỷ đồng, thặng dư vốn cổ phần 2.561 tỷ đồng và 2.102 tỷ đồng được lấy từ nguồn lợi nhuận để lại năm 2022.

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng công bố nhận được công văn về việc chấp thuận tăng vốn điều lệ tối đa thêm 5.500 tỷ đồng.

SeABank sẽ tăng vốn theo kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua vào tháng 4 vừa qua bằng hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức tối đa 2.952 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân hàng cũng chuẩn bị phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu tối đa 1.182 tỷ đồng; đồng thời, phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn dành cho cán bộ nhân viên (ESOP) của SeABank tối đa 420 tỷ đồng và chào bán cổ phiếu riêng lẻ tối đa 946 tỷ đồng

Đầu năm 2023, SeABank cho biết, vừa hoàn tất việc tăng vốn điều lệ lên gần 20.403 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên theo chương trình ESOP năm 2022. Như vậy, sau khi hoàn tất kế hoạch tăng vốn năm 2023, vốn điều lệ của SeABank sẽ tăng lên đến 25.903 tỷ đồng.

Đề nghị xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo trong ngành ngân hàng Đề nghị xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo trong ngành ngân hàng

VTV.vn - Ủy ban Kinh tế đề nghị xác định rõ mức độ, nguyên nhân của tình trạng sở hữu chéo để đề xuất giải pháp căn cơ, triệt để và xử lý được tình trạng sở hữu chéo hiện nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước