Chiều 23/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đã trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đã trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật này. Theo đó, Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng, Luật Đầu tư công đã bộc lộ một số hạn chế, do đó cần thiết phải có sửa đổi.
Dự án sửa chữa mái nhà tại Quốc Tử Giám, Cố đô Huế, có mức vốn chỉ 3 tỷ đồng nhưng 2 năm qua chưa thể triển khai bởi dự án nằm trong quần thể di tích cấp quốc gia đặc biệt nên theo Luật Đầu tư công, phải trình qua nhiều cấp và phải được Thủ tướng chính phủ quyết định.
Thủ tục kéo dài cũng dẫn tới chậm phân bổ kế hoạch vốn. Đến tháng 9/2018, Ban quản lý này vẫn còn 3 dự án chưa được giao vốn.
Một ví dụ khác là TP.HCM. Từng đạt tỷ lệ tối đa 100% giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2016. Nhưng đến năm 2017, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM chậm lại, chỉ đạt hơn 1 nửa. Trong 9 tháng đầu năm 2018, vốn đầu tư công cũng chỉ mới giải ngân được 42%.
Nguyên nhân dẫn tới việc chậm giải ngân vốn đầu tư công được thành phố lý giải từ 2 vấn đề. Một là thủ tục hiện nay giữa TƯ với địa phương đòi hỏi theo quy trình nên mất nhiều thời gian. Hai là do năng lực của chủ đầu tư.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Đỗ Thiên Anh Tuấn, một nguyên nhân nữa là những quy định chưa rõ ràng trong Luật Đầu tư công và cần phải có sửa đổi, bổ sung.
Hệ lụy của việc chậm giải ngân vốn đầu tư công không những ảnh hưởng tới kế hoạch tăng trưởng kinh tế mà còn tạo áp lực rất lớn lên ngân sách. Đơn cử như dự án tuyến Metro số 1, dự án giao thông trọng điểm của TP.HCM, do vướng mắc thủ tục nên đến nay mới chỉ đạt một nửa tiến độ, tổng vốn đầu tư đã đội lên hàng chục nghìn tỷ đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!