Nhiều thương hiệu thời trang chuyển một phần sản xuất khỏi châu Á

Việt Linh-Thứ năm, ngày 11/11/2021 18:47 GMT+7

VTV.vn - Tắc nghẽn chuỗi cung ứng và dịch COVID-19 đang khiến nhiều thương hiệu thời trang muốn đa dạng hóa nguồn cung cấp, đặc biệt là sang những khu vực gần các thị trường lớn.

Từ đầu năm tới nay, nhà máy giày tại Kotor Varos - một thị trấn nhỏ tại Bosnia, đã trở nên hết sức bận rộn. Ông Bubic, chủ nhà máy liên tục nhận đơn hàng từ khắp các doanh nghiệp lớn ở châu Âu và còn đang chờ có thêm nhiều khách hàng mới.

"Phần lớn khách hàng đều đã có cơ sở sản xuất ở châu Á, như Trung Quốc hay Ấn Độ, nhưng gần đây lượng đơn hàng của họ với chúng tôi vẫn tăng vọt. Hàng chục công ty cũng đã liên hệ để tới tham quan nhà xưởng của chúng tôi vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 này", Giám đốc nhà máy giày Dermal Radenko Bubic cho biết.

Nhiều nhà máy khác tại các nước vùng Balkan cũng đang chứng kiến một làn sóng tương tự. Chỉ riêng tại Bosnia, tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng may mặc và da giày trong nửa đầu năm nay đã vượt qua năm trước.

Nhiều thương hiệu thời trang chuyển một phần sản xuất khỏi châu Á - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Reuters)

Trước những thách thức lớn với mùa mua sắm cuối năm nay, nhiều chuỗi thời trang lớn tại châu Âu đang muốn có đối tác sản xuất gần "sân nhà" để tiết kiệm chi phí.

"Từ vài tháng qua, nhiều công ty đã gặp phải khó khăn lớn từ việc sản xuất ở các nước châu Á, như giá cước vận tải tăng 7 - 8 lần, hay các đợt gián đoạn nguồn cung, khiến lợi nhuận bị sụt giảm đáng kể. Do đó họ muốn tìm kiếm đối tác thay thế ở các nước khu vực Tây Balkan như Bosnia, Bắc Macedonia hay Serbia chúng tôi", ông Nemanja Jovanovic, đại diện Phòng Thương mại Serbia, cho hay.

Theo Reuters, danh sách các tên tuổi muốn chuyển bớt sản xuất ra khỏi khu vực châu Á đang nối dài. Mới đây nhất, thương hiệu Mango của Tây Ban Nha cho biết sẽ tăng mạnh lượng đơn hàng tới các nước như Bồ Đào Nha, Maroc và Thổ Nhĩ Kỳ vào năm sau. Hay hãng giày Mỹ Steve Madden cho biết sẽ chuyển 50% hoạt động sản xuất từ Trung Quốc tới Brazil và Mexico.

Dù vẫn giữ vị trí quan trọng, nhưng Trung Quốc và các nước Đông Nam Á được dự báo sẽ phải chia lại một phần "miếng bánh" ngành sản xuất may mặc hàng chục tỷ USD, tới các khu vực như Đông Âu và Mỹ Latin trong các năm tới.

Dịch vụ cho thuê quần áo - Tương lai của ngành thời trang? Dịch vụ cho thuê quần áo - Tương lai của ngành thời trang?

VTV.vn - Người trưởng thành thuộc thế hệ Gen Z đang trở thành những người tiêu dùng thường xuyên của dịch vụ cho thuê quần áo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước