Những chuyện phi lý trong làn sóng tăng “nóng” của bất động sản toàn cầu

Theo Dân trí-Chủ nhật, ngày 04/07/2021 10:21 GMT+7

VTV.vn - Thị trường bất động sản đang phát triển mạnh mẽ trên khắp thế giới. Giá bất động sản toàn cầu tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ trước khủng hoảng tài chính năm 2008 xảy ra.

Ở Canada, cứ 20 phút lại có 75 email hỏi mua nhà được gửi đến. Ở Australia, mỗi ngày giá nhà tăng hơn 1.200 Đô la Australia. Mua nhà ở Mỹ, Anh cũng không hề dễ dàng. Ở Trung Quốc, người mua thậm chí còn phải chuyển trước số tiền đặt cọc lớn...

Từ Mỹ, Anh tới Trung Quốc, Singapore, thị trường nhà ở đều bùng nổ. Theo Knight Frank, giá nhà ở trên khắp thế giới đang tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2006, với giá nhà hàng năm tăng ở mức hai con số.

Một phân tích của Bloomberg Economics cho thấy các thị trường nhà ở đang phát đi những cảnh báo bong bóng chưa từng thấy kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.Thị trường bất động sản đang phát đi những cảnh báo bong bóng chưa từng thấy kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 (Ảnh: Bloomberg).

Những chuyện phi lý trong làn sóng tăng “nóng” của bất động sản toàn cầu - Ảnh 1.

Thị trường bất động sản đang phát đi những cảnh báo bong bóng chưa từng thấy kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. (Ảnh: Bloomberg)

Mọi thứ "nóng" tới nỗi thị trường tràn lan những câu chuyện nghe rất phi lý. Có người mua tuyệt vọng hứa sẽ đặt tên cho đứa con đầu lòng theo tên người bán, rồi các tòa nhà bị bỏ hoang được rao bán với mức giá của những căn biệt thự.

Yếu tố kích thích sự bùng nổ điên cuồng của thị trường bất động sản toàn cầu là các khoản vay thế chấp đang rất rẻ. Mọi người mong muốn được ở nơi rộng rãi hơn sau đại dịch COVID-19. Những nhân viên làm việc từ xa bỏ phố về quê và quan trọng hơn là nỗi sợ nếu không mua nhà ngay bây giờ thì sẽ không bao giờ có thể mua được.

Khi giá tăng, rủi ro cho cả các cá nhân và xã hội cũng tăng theo. Ngay cả khi không có cuộc khủng hoảng nào, việc các khoản vay thế chấp tăng mạnh đồng nghĩa người đi vay sẽ dễ gặp rủi ro nếu lãi suất tăng, có thể thu nhập khả dụng của họ sẽ giảm và họ có khả năng cao sẽ nghỉ hưu với "núi" nợ. Đối với người trẻ, việc mua nhà lại càng khó khăn hơn, từ đó làm gia tăng bất bình đẳng giữa các thế hệ.

Trong khi đó, ở hầu hết quốc gia, có rất ít biện pháp hữu hiệu được triển khai. Các cơ quan quản lý kỳ vọng thị trường sẽ bắt đầu tự hạ nhiệt vì họ cho rằng tiêu chuẩn cho vay cao cùng với triển vọng lãi suất thấp trong một thời gian dài đồng nghĩa là sẽ không có động cơ để châm ngòi cho khủng hoảng.

Cũng vì thế, những câu chuyện phi lý vẫn cứ tiếp diễn trên nhiều thị trường bất động sản lớn.

Canada: Cứ 20 phút nhận được 75 email hỏi mua nhà

Là nhân viên kinh doanh bất động sản, Kristin Cripps biết thị trường đang rất "nóng" ở Barrie. Giá nhà ở thành phố này bị đẩy lên cao ngất ngưởng khi người mua săn lùng những căn nhà lớn hoặc bất động sản nghỉ dưỡng bên Hồ Simcoe.

Cripps chuẩn bị bán căn nhà nghỉ dưỡng một phòng ngủ của mình. Đó không phải là một bất động sản gì lớn lắm, theo Cripps mô tả, nhìn từ bên ngoài căn nhà trông giống như một chiếc hộp nhỏ. Tuy nhiên, trong vòng 24 giờ rao bán, Cripps đã nhận được 192 lời đề nghị tới xem nhà, và đây mới chỉ là khởi đầu.

Suốt 3 ngày sau đó, các nhà thầu và đại lý liên tục xuất hiện và gõ cửa nhà cô mà không hề hẹn trước. Con đường nhỏ hẹp dẫn tới căn nhà bỗng dưng tắc nghẽn với không dưới 6 chiếc ô tô nối đuôi nhau xếp hàng. Vào thời kỳ đỉnh điểm của cuộc chiến đấu thầu, Cripps ước tính cứ 20 phút nhận được khoảng 75 email hỏi về căn nhà và không thể ngủ quá 2 hoặc 3 tiếng mỗi đêm vì phải trả lời các câu hỏi. Cuối cùng, cô nhận được 71 lời đề nghị mua nhà.

Cô rao bán căn nhà của mình với giá 399.000 Đô la Canada (328.655 USD) và giá bán chốt gần gấp đôi là 777.777 Đô la Canada.

"Khi xem các video về ngày Black Friday, bạn sẽ thấy mọi người đổ xô tới cửa hàng và giành giật nhau mọi thứ. Họ đánh nhau, giật tóc nhau tới mức nhân viên an ninh phải tới bắt họ lại. Mọi thứ với tôi cũng giống như vậy đó. Ai cũng rất nóng lòng và muốn mua được một căn nhà", Cripps nói.

Australia: Giá nhà tăng 1.263 Đô la Australia mỗi ngày

Đó là một căn nhà không có nhà bếp, nhà vệ sinh hay nguồn điện, chứ chưa nói đến đá lát sàn hay sơn tường. Tuy nhiên, căn nhà gần như vô chủ này - cách trung tâm thành phố Sydney 7 km về phía nam - vẫn bán được với giá 4,7 triệu Đô la Australia (3,5 triệu USD) sau một cuộc chiến đấu thầu gay gắt.

Đây chỉ là một trong những vụ bán nhà đáng kinh ngạc ở thành phố ven cảng này, nơi mà hơn một nửa số nhà bán được trong năm nay giúp người bán thu về ít nhất 1 triệu Đô la Australia. Doanh thu bán nhà hàng quý tính đến tháng 5 đạt mức cao nhất trong hơn 30 năm qua. Nguyên nhân là giá nhà tăng 1.263 Đô la Australia mỗi ngày trong tháng 5.

Những chuyện phi lý trong làn sóng tăng “nóng” của bất động sản toàn cầu - Ảnh 2.

Một căn nhà không có nhà bếp, nhà vệ sinh hay nguồn điện, chứ chưa nói đến đá lát sàn hay sơn tường tại Australia được bán với giá 3,5 triệu USD. (Ảnh: Bloomberg)

"Tôi làm việc trong ngành này được 25 năm rồi mà chưa bao giờ chứng kiến điều gì tương tự như vậy. Chúng tôi nhận được 30.000 yêu cầu mua nhà trong 4 tuần, từ UAE, Dubai, Mỹ, New Zealand và tất cả quốc gia châu Á", Joe Recep - nhân viên công ty môi giới bất động sản NG Farah Real Estate - cho hay.

Người mua với túi tiền đầy ắp trở về từ nước ngoài rồi những người giàu có trong nước bị giam chân bởi lệnh đóng cửa biên giới của Australia sẵn sàng trả khoản tiền cực lớn để có được một cuộc sống đáng mơ ước.

D'Leanne Lewis - giám đốc của công ty môi giới bất động sản Laing+Simmons - từng bán những căn nhà có giá kỷ lục 60 triệu đôla Australia chỉ trong một ngày vào tháng 5, cao hơn bất kỳ con số nào mà cô từng đạt được trong một tháng trước đây.

Trong 5 căn nhà mà Lewis bán được, có một căn nhà có tới 8 phòng phủ, 9 phòng tắm ở Bellevue Hill, khu vực đắt đỏ ở phía đông Sydney. Căn nhà này được rao bán với mức giá 25 triệu USD trước đấu giá, cao hơn gần 40% giá quảng cáo và gấp hơn 3 lần giá bán (7 triệu USD) vào 5 năm trước. Mặc dù có vẻ ngoài rất tráng lệ, song căn nhà này lại không có tầm nhìn ra bờ sông hay một lối vào mà mọi người thường mong đợi ở mức giá đó tại Sydney.

"Bị nhốt ở một nơi như Sydney không phải là điều gì quá thảm hại khi so sánh với phần còn lại của thế giới. Và mọi người đều đang tìm kiếm một nơi trú ẩn an toàn", Lewis nói.

Mỹ: Không thể tới xem nhà trước khi đưa ra giá chào mua

Tại khu dân cư của giới giàu có Greenwich, Connecticut, người mua thậm chí không thể tới xem nhà trước khi đưa ra giá chào mua.

Vì không được tới xem căn nhà có giá rao bán là 1,55 triệu USD, một nhóm người mua quyết định đưa ra mức giá cao hơn giá chào bán. Điều kiện duy nhất của họ là được cho phép vào thăm căn nhà một lần trước khi ký hợp đồng.

"Họ là những người đưa ra giá thầu cao nhất và tốt nhất dù họ chưa từng tận mắt trông thấy căn nhà", theo Mark Pruner - nhân viên môi giới của công ty Berkshire Hathaway HomeServices tại Greenwich.

Giá nhà tại Mỹ tăng mạnh nhất 30 năm qua trong tháng 4, đặc biệt ở khu vực ngoại ô và nông thôn. Vào đỉnh dịch COVID-19, Greenwich thu hút được cả người mua từ New York City. Các hợp đồng đã ký để mua căn hộ dành cho một gia đình gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái lên 165 trong tháng 5, theo công ty thẩm định Miller Samuel Inc. và công ty môi giới Douglas Elliman Real Estate. Đó là sau khi giá bán nhà trung bình tăng 31% lên 2,24 triệu USD trong quý I.

Tại Manhattan, doanh số bán nhà cũng tăng vọt trong vài tháng gần đây nhưng chủ yếu do triển vọng giá giảm. Những người phải tới các quận bên ngoài để tìm kiếm căn nhà rộng rãi hơn đang phải đối mặt với cuộc chiến đấu thầu gay gắt.

Mọi thứ thậm chí "nóng" hơn ở những khu vực xa xôi hơn. Boise, Idaho - một thành phố đẹp như tranh vẽ với khoảng 225.000 dân nằm ở chân núi Rocky - là một ví dụ. Dòng người từ California và các bang đắt đỏ khác đang đổ về đây, khiến thị trường bất động sản tăng điên cuồng. Đầu tháng 6, giá tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái, theo công ty môi giới Redfin.

Những người mua với tâm lý tuyệt vọng đang làm bất cứ điều gì có thể để đảm bảo ký được hợp đồng mua nhà, bao gồm cả việc cam kết sẽ không chuyển đến ở ngay. Shauna Pendleton - nhân viên môi giới của Redfin - cho biết một người bán nhà đã đàm phán được quyền ở lại căn hộ của họ trong 5 tháng với giá thuê không đáng kể cho tới khi nhà mới của họ xây xong.

"Người bán biết họ có quyền lực trong bối cảnh thị trường hiện nay. Họ biết họ đang nắm đằng chuôi và họ đưa ra khá nhiều quy định", ông Pendleton cho hay.

Anh: Ra giá 3,5 triệu USD vẫn không thể mua được nhà

Mua nhà ở Anh bây giờ là một cuộc cạnh tranh khốc liệt. Gần 1/4 lượng nhà ở được bán trong vòng một tuần, nhiều căn trong số đó thậm chí được bán trước khi thông tin được đăng trên sàn giao dịch, theo công ty bất động sản Hamptons International.

Cuộc cạnh tranh gay gắt khiến những người đi mua nhà như Alyson Nash - 63 tuổi - và chồng bà bị phớt lờ. Họ đã bán căn nhà trong trang trại của gia đình vào năm ngoái và chuyển tới thuê một chỗ ở để có thể săn lùng một căn nhà khác gần Guildford - một trung tâm sầm uất ở phía đông nam nước Anh.

8 tháng sau đó, sau khi đưa ra lời đề nghị mua 3 căn nhà với giá thấp nhất 2,5 triệu bảng Anh (3,5 triệu USD), họ đã không thể ký hợp đồng.

"Trong cuộc đời, tôi chưa bao giờ nghĩ mua nhà lại khó khăn như thế. Có rất ít nguồn cung nhà ở trên thị trường và khi có thì lại có quá nhiều người săn lùng", bà Nash chia sẻ.

Những chuyện phi lý trong làn sóng tăng “nóng” của bất động sản toàn cầu - Ảnh 3.

Giá nhà ở không chỉ tăng ở các thành phố lớn mà còn tăng mạnh ở khu vực ngoại ô và nông thôn. (Ảnh: Bloomberg)

Thị trường bất động sản bùng nổ dẫn tới tình trạng người bán lật lọng với người mua gia tăng. Các giao dịch mua bán bất động sản ở Anh không bị ràng buộc pháp lý cho đến khi hợp đồng được chính thức ký kết. Có thể mất tới vài tháng để hợp đồng được ký kết kể từ khi người bán chấp nhận giá mua, đặc biệt là khi những đơn vị cho vay thế chấp và luật sư cũng đang vật lộn với khối lượng công việc lớn.

Trong thời gian đó, người bán có thể chấp nhận một giá mua khác. Đó là điều đã xảy ra với Charlotte Howard - 46 tuổi - hồi tháng 2. Bốn tháng sau đó, vì sợ sẽ bị lật lọng một lần nữa, Howard phải liên hệ với người bán thông qua Facebook để đảm bảo với họ về việc bà muốn mua căn nhà của họ ra sao.

"Tôi cảm thấy hơi thất vọng và bị tổn thương. Mọi thứ vẫn có thể thất bại", bà nói. May mắn cho Howard, bà và người bán đã ký kết hợp đồng mua bán nhà vào ngày 11/6.

Trung Quốc: Muốn mua nhà phải chuyển trước 1 triệu Nhân dân tệ, công khai hồ sơ tín dụng

Kiềm chế đầu cơ trên thị trường bất động sản là mục tiêu chính của chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, họ vẫn đang gặp khó.

Trong khi ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, đại dịch COVID-19 đang đẩy thị trường bất động sản ở vùng ngoại ô và khu vực xa xôi hơn tăng "nóng", người mua ở Trung Quốc lại đổ dồn về các thành phố thuộc top đầu - nơi họ có thể tìm được công việc và trường học tốt nhất.

Giá nhà cũ ở những thành phố này vẫn tăng 10,8% kể từ đầu năm nay đến tháng 5 dù chính quyền địa phương đã cố trấn áp các hành vi lách luật như ly hôn giả - vốn được thực hiện nhằm qua mặt quy định về số lượng bất động sản mà một gia đình có thể sở hữu.

Tại trung tâm công nghệ Thâm Quyến, một căn hộ có giá gấp 43,5 lần mức lương trung bình của một người dân, theo viện nghiên cứu thuộc công ty bất động sản E-House Enterprise Holdings Ltd. Con số này gần tương đương với Hồng Kông - thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Giá nhà ở Thâm Quyến tăng nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác ở Trung Quốc nên danh sách những trở ngại mà người mua sẽ gặp phải ngày càng dài.

Tại một dự án bất động sản mới ở phía tây Thâm Quyến, những ai quan tâm tới một căn nhà nào đó đều phải tạm thời chuyển trước 1 triệu Nhân dân tệ (157.000 USD) và đăng tải hồ sơ tín dụng cá nhân trước khi đưa ra giá thầu mua.

Nhiều người phải rất chật vật mới có thể làm được điều này, bởi tới lúc ngân hàng đóng cửa vẫn còn những hàng người xếp dài dằng dặc trước cửa ngân hàng chờ được xét hồ sơ.

Dưới áp lực từ phía cơ quan quản lý nhà ở, công ty bất động sản Coaster Group quyết định điều tra về hồ sơ nộp thuế của những người muốn mua nhà. Theo đó, có hơn 2.000 người nộp đơn thầu mua nhà được phê duyệt và họ đều có hơn 23 năm nộp thuế.

Điều này đồng nghĩa rằng nhiều người phải ngậm ngùi rút lui giống như Jerry Huang - 29 tuổi. Huang mới chỉ có 14 năm nộp thuế. Đây là lần thứ 3 Huang không thể đưa ra giá thầu mua nhà vì những quy định phi tiền tệ như thế này.

"Có vẻ như tôi phải gác lại kế hoạch mua nhà trong một thời gian dài. Có quá nhiều người cạnh tranh mà tôi thì không chắc mình sẽ có cơ hội chiến thắng", anh nói.

Singapore: Chi tổng 38 triệu USD chỉ để mua hai căn nhà

Ian Ang - đồng sáng lập 28 tuổi của công ty chuyên sản xuất ghế ngồi cho game thủ Secretlab - vừa phải chi 51 triệu Đô la Singapore (38 triệu USD) trong vòng một tuần để mua hai căn nhà sang trọng tại quận quan trọng nhất của Singapore.

Theo Straits Times, một trong số đó là căn nhà bungalow trị giá 36 triệu Đô la Singapore tại khu Caldecott Hill - trước đây thuộc sở hữu của đối tác sáng lập ra Dymon Asia Capital Pte., Danny Yong. Căn nhà thứ 2 là một căn pentshouse trị giá 15 triệu Đô la Singapore có 5 phòng ngủ và ở gần Botanic Gardens.

Đây là một ví dụ cho thấy thị trường nhà ở ở Singapore đã "nóng" lên như thế nào trong năm qua. Nguyên nhân là người mua tận dụng lãi suất thấp, đồng thời họ dự đoán giá sẽ tăng mạnh hơn sau đại dịch COVID-19.

Giá nhà ở hạng sang tại Singapore tăng vọt trong năm ngoái, với giá trị của một số hợp đồng mua bán đã phá vỡ kỷ lục.

Tiền vẫn 'ùn ùn' đổ vào bất động sản Tiền vẫn "ùn ùn" đổ vào bất động sản

VTV.vn - Ngay trong mùa dịch COVID-19, bất động sản vẫn được nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới chọn làm kênh đầu tư an toàn. Trong đó, Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước