Những giải pháp mang tính đột phá về chính sách tín dụng

VTV Online-Thứ năm, ngày 05/06/2014 20:18 GMT+7

Năm 2014, nền kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu phục hồi tuy nhiên vẫn còn đó nhiều hạn chế, yếu kém và đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có bài toán về dư nợ tín dụng tăng chậm.

Với sự tham gia của các khách mời: TS. Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Nghiêm Xuân Thành - Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam, chương trình Đối thoại chính sách tuần này sẽ tập trung phân tích và đề xuất những giải pháp mang tính đột phá về chính sách tín dụng để tháo gỡ khó khăn về vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế, góp phần thúc đẩy nhanh hơn quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Những dấu hiệu phục hồi kinh tế - xã hội của nước ta ngày càng rõ nét hơn, đặc biệt là từ đầu năm 2014 đến nay. Mặc dù vậy, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và của toàn xã hội vẫn còn yếu. Trong bối cảnh này, việc tháo gỡ được những nút thắt về chính sách tín dụng được nhiều chuyên gia đánh giá là sẽ có tác động không nhỏ tới sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

“Tôi ủng hộ việc Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại tăng tín dụng cho vay nhưng không làm tăng nợ xấu. Đó là một tôn chỉ, bởi nếu chúng ta sốt ruột làm tăng nợ xấu thì năm tới, chúng ta lại quay trở về con đường cũ”, ông Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ.

Tuy nhiên, theo TS Trần Du Lịch, tín dụng chỉ là một cửa để giải quyết vấn đề khó khăn cho các doanh nghiệp: “Hiện nay, nếu tính trên lạm phát kì vọng thì lãi suất là tương đối tốt. Nhưng vấn đề là doanh nghiệp làm sao hấp thụ được. Vì vậy, ở thời điểm này, các doanh nghiệp phải đối mặt với vấn đề thị trường, chứ không phải riêng gì vấn đề tín dụng. Tín dụng chỉ là một cửa trong đó”, ông Trần Du Lịch nói thêm.

‘ Ông Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Một thực tế cho thấy, dù đã áp dụng nguyên tắc không hạ chuẩn tín dụng, nhưng so với vài năm trước, tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp trong khi mặt bằng lãi suất của các ngân hàng thương mại đã giảm nhiều. Đánh giá về hiện trạng này, ông Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đưa ra con số 1,31%. Đây là mức tăng trưởng tín dụng của Việt Nam tính đến hết tháng 5/2014.

Theo đó, đề xuất giải pháp về bài toán tăng trưởng tín dụng, TS. Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đưa ra một vài đề xuất, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc không hạ chuẩn tín dụng.

“Có thời kì lãi suất nóng lên, đó chính là giải đoạn làm tăng nợ xấu, nhiều doanh nghiệp vay tiền như để giải cơn khát bằng thuốc độc, đặc biệt là ở thanh khoản bất động sản. Do vậy, theo tôi, hiện nay dù làm gì thì điều quan trọng đó là chúng ta không hạ chuẩn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cứ máy móc như vậy, mà cần có sự xem xét theo dõi tính khả thi của các dự án, tìm từ trong cái không tốt ra cái tốt...”, TS. Trần Du Lịch nhận định.

Đề xuất giải pháp có tên “Đánh du kịch”, ông Trần Du Lịch nhấn mạnh việc Ngân hàng Nhà nước phải cùng ngồi với doanh nghiệp, phối hợp để có những chính sách cơ chế, thực hiện cải cách, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp tăng đầu tư. Bên cạnh đó, ông cũng đề cập tới vấn đề giải ngân cũng chậm, nhiêu khê vốn đầu tư cơ bản của Nhà nước, dẫn đến chưa tạo được sức ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác.

‘ Ông Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Kết thúc cuộc trò chuyện, các khách mời đều nhất trí cho rằng, trong điều kiện hiện nay để đưa các doanh nghiệp ra khỏi khó khăn thì chính các ngân hàng và Nhà nước phải luôn khẳng định sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp bằng hành động.

“Không làm thay doanh nghiệp, nhưng Nhà nước phải là bà đỡ cho các doanh nghiệp”, ông Trần Du Lịch khẳng định.

Năm nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn đặt mục tiêu thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng 12-14%, phù hợp với khả năng huy động vốn của các tổ chức tín dụng, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu. Đó là nỗ lực rất lớn, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn và phải cần có thêm thời gian để có thể tạo được đà phát triển vững chắc hơn.

Để theo dõi chi tiết nội dung trong chương trình Đối thoại chính sách “Tháo gỡ khó khăn về tín dụng” phát sóng trên kênh VTV1, mời quý độc giả xem video dưới đây:

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước