Những quy định ngặt nghèo của EU với hàng dệt may

Thường trú Truyền hình Việt Nam tại châu Âu-Thứ tư, ngày 02/10/2024 11:30 GMT+7

VTV.vn - Mục tiêu là tới năm 2030, các sản phẩm dệt may trên thị trường châu Âu sẽ phải có độ bền cao và có thể tái chế

Liên minh châu Âu đang xem xét sửa đổi quy định về chất lượng hàng dệt may và theo hướng đẩy các tiêu chuẩn lên mức cao hơn. Mục tiêu là tới năm 2030, các sản phẩm dệt may trên thị trường châu Âu sẽ phải có độ bền cao và có thể tái chế

Theo tầm nhìn mới, hàng dệt may tại châu Âu sẽ chủ yếu được làm từ các sợi tái chế, không chứa chất độc hại và được sản xuất thân thiện với môi trường, nhưng đồng thời phải tôn trọng các quyền lợi xã hội.

Hàng dệt may vào thị trường chung châu Âu phải chịu những quy chuẩn ngặt nghèo chỉ sau thực phẩm và dược phẩm. Quần áo là đồ dùng hàng ngày, vải tiếp xúc với da người, bụi vải có thể bị hít vào phổi, do vậy thuốc nhuộm hoặc chất làm mềm không được chứa những hóa chất gây dị ứng cho da, sợi tổng hợp không được chứa kim loại nặng, quần áo cho trẻ em còn phải làm sao để không gây xước sát, hóc hay ngạt vì phụ kiện, khoá móc, dây nút. Những tiêu chí ấy đã trở thành tất yếu. Bây giờ, yếu tố môi trường sinh thái được quan tâm nhiều hơn.

Những quy định ngặt nghèo của EU với hàng dệt may - Ảnh 1.

Các tiêu chí đối với quần áo vẫn tiếp tục được Uỷ ban châu Âu rà soát định kỳ và ngày càng ngặt hơn

Ông Trần Ngọc Quân - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Liên minh châu Âu và Vương quốc Bỉ cho biết: "Hiện nay, thiết kế sinh thái trở thành một yêu cầu bắt buộc đối với lĩnh vực dệt may. Và trong lĩnh vực dệt đó, họ sẽ đưa ra các quy định cụ thể. Cụ thể ví dụ như là các sản phẩm về dệt may, chúng ta phải đáp ứng được một thời hạn sử dụng nhất định trong vòng đời của sản phẩm. Hiện nay, họ đang dự kiến đưa ra sản phẩm tối thiểu là hai năm, có nghĩa là trong vòng hai năm, các sản phẩm đó không bị hỏng hóc, không khiến người tiêu dùng thay đổi vì lý do sản phẩm không đáp ứng được tiêu chuẩn bình thường".

Quần áo cũ đang là nguồn ô nhiễm nghiêm trọng, mà vải lại là chất rất khó tái chế. Quy định sắp tới có thể còn ngặt nghèo hơn, đòi hỏi nhà nhập khẩu quần áo phải chịu trách nhiệm toàn bộ vòng đời sản phẩm, bao gồm cả khâu tái chế và tái sử dụng.

Bà Delara Burkhardt - Báo cáo viên Nghị viện châu Âu nhận định: "Chúng tôi yêu cầu một cách tiếp cận toàn diện đối với ngành dệt may, nhằm đảm bảo rằng ngành này chuyển từ mô hình thời trang nhanh, sang mô hình dệt may tuần hoàn. Chúng tôi kêu gọi, trước tiên phải thiết lập các tiêu chuẩn bền vững trong ngành dệt may".

Các tiêu chí đối với quần áo vẫn tiếp tục được Uỷ ban châu Âu rà soát định kỳ và ngày càng ngặt hơn, theo chiến lược hàng dệt may bền vững và tuần hoàn, công bố cách đây hai năm rưỡi và sẽ được điều chỉnh vào cuối năm nay. Theo đó, quần áo cũ bỏ đi sẽ phải trở thành nguyên liệu cho một sản phẩm nào đó khác, chứ không còn bị đốt bỏ hay chôn lấp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước