Các nước G20 chiếm khoảng 60% dân số, đóng góp tới 80% quy mô nền kinh tế thế giới và 75% tổng quy mô thương mại toàn cầu. Do vậy, cuộc họp của nhóm này rất thu hút sự chú ý của truyền thông trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang trên đà suy yếu và xung đột địa chính trị tiếp diễn tại châu Âu đang kéo theo cuộc khủng hoảng năng lượng.
Phát biểu trước thềm sự kiện, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, nước chủ tịch G20 năm nay thừa nhận: Đây một nhiệm kỳ Chủ tịch G20 khó khăn nhất lịch sử. Với chủ đề "Cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn", Indonesia hy vọng sẽ cùng các nhà lãnh đạo tìm ra nhiều giải pháp để giải quyết hàng loạt vấn đề hóc búa nhất mà kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt.
Lạm phát, lãi suất, suy thoái, đây có lẽ là 3 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trong năm 2022. Xung đột Nga - Ukraine bùng phát, đại dịch COVID-19 dai dẳng, chuỗi cung ứng vẫn chưa khôi phục hoàn toàn… đang là những thách thức với nền kinh tế toàn cầu.
Hội nghị G20 diễn ra tại Bali. (Ảnh: Reuters)
Do vậy, nước chủ nhà G20 Indonesia mong muốn đưa chương trình nghị sự xoay quanh 3 trụ cột phục hồi kinh tế vĩ mô sau đại dịch: Kiến trúc hệ thống y tế toàn cầu, Chuyển đổi số và Chuyển đổi năng lượng bền vững.
"Chúng ta cần hợp tác để đối phó với các cuộc khủng hoảng tổng hợp về tài chính, năng lượng và lương thực mà không thể chỉ một quốc gia có thể giải quyết được. G20 là diễn đàn cần thiết để đạt được mục đích đó, vì nó có khả năng ảnh hưởng lớn đến việc vạch ra kế hoạch chi tiết", Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Chủ tịch G20, nhấn mạnh.
Theo trang Al Jazeera, Hội nghị G20 năm nay chịu nhiều sức ép về căng thẳng giữa Mỹ - Trung Quốc, Mỹ - Nga, Nga - EU, Saudi Arabia - Mỹ.
Indonesia nỗ lực duy trì tính trung lập của diễn đàn, bác bỏ lời kêu gọi của các nước phương Tây và Ukraine loại trừ Nga khỏi nhóm G20. Nước chủ nhà đã phải đề nghị EC, G7 hỗ trợ để hội nghị có tuyên bố chung. Tuy nhiên trước thềm hội nghị, các quan chức EU bóng gió rằng các nhà lãnh đạo thậm chí có thể không đạt được sự thống nhất tối thiểu về mặt ngoại giao, tức là một tuyên bố chung.
"Bạn không thể giải quyết vấn đề địa chính trị bằng các biện pháp chính sách kinh tế. Sẽ rất khó để tính toán một mức độ hợp tác kinh tế cần thiết. Chấm dứt xung đột ở Ukraine là yếu tố mạnh mẽ nhất để xoay chuyển nền kinh tế thế giới", bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhận định.
Bất chấp quy mô của những thách thức và căng thẳng chính trị, một số nhà quan sát vẫn có thể lạc quan về khả năng của G20 trong việc giải quyết các vấn đề quan tâm chung. Rõ nhất chính là việc nhóm này đã cho ra mắt Quỹ phòng đại dịch nhằm huy động hơn 30 tỷ USD/năm nhằm ngăn chặn và phòng ngừa đại dịch trong tương lai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!