Niềm tin người tiêu dùng vụn vỡ trước những cú "bán mình" của DN thời trang

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ tư, ngày 13/11/2019 06:22 GMT+7

VTV.vn - Với ma trận hàng "made in Vietnam" thật - giả lẫn lộn, chưa bao giờ niềm tin của người tiêu dùng dành cho thời trang Việt lại lung lay như hiện tại.

Nhập hàng từ nước ngoài, cắt mác ngoại, gắn tem của chính hãng; đưa thiết kế cho phía nước ngoài may thành sản phẩm, gắn tem chính hãng và nhập về Việt Nam... là thủ đoạn không mới nhưng khá tinh vi nhằm mục đích tối ưu hóa lợi nhuận khi giá bán cao hơn gấp nhiều lần giá thành xuất xưởng.

Mới đây, đội Quản lý thị trường số 14, Cục Quản lý thị trường Hà Nội tạm giữ hơn 9.000 sản phẩm của thương hiệu Seven.Am để điều tra, làm rõ nghi vấn cắt nhãn mác Trung Quốc. Đến thời điểm này, hàng loạt cửa hàng thương hiệu Seven.Am đã đóng cửa, còn Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, Seven.Am vẫn chưa xuất trình đầy đủ hóa đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp số hàng hóa vi phạm bị tạm giữ.

Câu chuyện "tự đào hố chôn mình" này có phải chỉ ảnh hưởng đến bản thân doanh nghiệp hay còn tác động đến như thế nào đến các thương hiệu thời trang Việt khác?

Việc xây dựng thương hiệu và chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng là một quá trình tốn không chỉ thời gian, tiền bạc và cả công sức. Do vậy việc gian lận xuất xứ hàng hóa, ngoài tác động giảm sút lòng tin của người tiêu dùng, sẽ gây khó khăn hơn khi doanh nghiệp phải cạnh tranh với hàng loạt thương hiệu ngoại.

Theo luật sư, không chỉ giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại chính sân nhà, mà quan trọng hơn, về lâu dài giá trị thương hiệu "Made in Vietnam" cũng bị ảnh hưởng.

Chính việc có nhiều trường hợp liên quan đến việc gian lận xuất xứ hàng hóa trong thời gian qua cũng đặt ra thách thức tìm lời giải để người tiêu dùng không phải "sống chung" với ma trận hàng hóa "Made in Vietnam". Quan trọng hơn là không gây ảnh hưởng tới các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Với ma trận hàng "made in Vietnam" thật - giả lẫn lộn, có thể nói, chưa bao giờ niềm tin của người tiêu dùng dành cho thời trang Việt lại lung lay như hiện tại. "Thất vọng" là câu trả lời chung của nhiều người tiêu dùng khi mua phải sản phẩm của thương hiệu Việt Nam nhưng có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng.

Trên thực tế, hiện nay chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam, nên người tiêu dùng không có căn cứ để phân biệt, chủ yếu theo niềm tin của bản thân, trên cơ sở tự nhận biết. Thế nhưng, một doanh nghiệp muốn tồn tại, phát triển thì phải dựa trên uy tín và uy tín được kiểm chứng qua thời gian.

Tại sao lại để xảy ra liên tiếp các vụ doanh nghiệp có hành vi gian dối, tự cắt tem gắn nhãn đội lốt hàng Việt Nam để trục lợi? Phải chăng người tiêu dùng Việt quá dễ tính hay do chế tài của chưa đủ mạnh?

Tạm giữ 9.000 sản phẩm của Seven.Am sau nghi vấn cắt nhãn mác Trung Quốc Tạm giữ 9.000 sản phẩm của Seven.Am sau nghi vấn cắt nhãn mác Trung Quốc

VTV.vn - Đội QLTT số 14 đã tạm giữ hơn 9.000 sản phẩm thương hiệu thời trang Seven.Am để điều tra làm rõ nghi vấn cắt nhãn mác Trung Quốc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước