Nỗ lực đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

VTV Digital-Thứ tư, ngày 18/08/2021 06:09 GMT+7

VTV.vn - Trong bối cảnh nhiều địa phương phải giãn cách xã hội vì dịch bệnh, 7 tháng đầu năm nay, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt gần 37%.

Bên cạnh mục tiêu phòng chống dịch, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công được xem là rất quan trọng, cấp thiết, góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế. Nhiều giải pháp đang được Chính phủ đốc thúc các bộ ngành, địa phương nỗ lực thực hiện.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện yêu cầu các Bộ ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Cùng với đó, Nghị định 79 sửa đổi quy định về việc cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài cũng vừa được Chính phủ ban hành. Những cơ chế mới sẽ tác động thế nào tới việc giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm nay?

Nhiều số liệu thống kê cho thấy, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công đang chậm. Kết thúc 7 tháng của năm 2021 nhưng tỷ lệ giải ngân mới đạt 36,7% so với kế hoạch, thấp hơn mức gần 41% của cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, riêng với nguồn vốn ODA, tỷ lệ giải ngân còn thấp hơn rất nhiều, chỉ chưa tới 8%. Vì thế, công điện được Thủ tướng Chính phủ vừa kí ban hành đêm 16/8 đã đặt ra nhiều yêu cầu cụ thể.

Nỗ lực đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh 1.

Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Các bộ, ngành địa phương phải xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; Rà soát, phân bổ vốn đảm bảo không dàn trải, kéo dài; Xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị cố tình làm chậm tiến độ giải ngân; Thành lập ngay Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan và chủ tịch UBND các cấp đứng đầu, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về kết quả thực hiện được; Tập trung đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, thi công, tháo gỡ các khó khăn trong thủ tục nghiệm thu thanh toán, điều chuyển vốn ngay cho các dự án giải ngân tốt.

Trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp và giãn cách xã hội tại nhiều địa phương, việc đi lại, lưu thông của các phương tiện chở nguyên vật liệu, nhân công tại các dự án đều gặp không ít khó khăn vướng mắc. Vì vậy, với mục tiêu phòng chống dịch nhưng cũng đảm bảo thúc đẩy các cực tăng trưởng, trong đó có việc không để giải ngân vốn đầu tư công "dậm chân tại chỗ", một số đơn vị đã phải xây dựng kế hoạch linh hoạt, phù hợp với tình hình mới.

Linh hoạt các giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công

Cầu Vĩnh Tuy 2 là một trong sáu dự án của Ban quản lý dự án đầu tư công trình giao thông được TP Hà Nội cho phép thi công trong thời gian giãn cách và phải đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch. Hơn 500 công nhân tại dự án này đang được chia thành 11 mũi thi công và thực hiện 3 tại chỗ, tức là vừa ăn, ở và làm việc thành từng khu vực riêng. Một số khác thực hiện "1 cung đường, 2 điểm đến" để đảm bảo an toàn dịch bệnh, tạo điều kiện thúc đẩy tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công.

Theo đại diện chủ đầu tư, đến nay dự án đã giải ngân 100% vốn kế hoạch của cả năm nay. Hiện phương án rà soát, chuyển vốn từ các dự án giải ngân kém sang dự án giải ngân tốt đang được thực hiện.

Nỗ lực đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh 2.

Cầu Vĩnh Tuy 2 là một trong sáu dự án của Ban quản lý dự án đầu tư công trình giao thông được TP Hà Nội cho phép thi công trong thời gian giãn cách.

Ông Đỗ Đình Phan, Trưởng phòng Giám sát 2, Ban quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Hà Nội, cho biết: "Đối với dự án chậm tiến độ vướng mặt bằng không khởi công được thì điều chỉnh, điều hoà cho các dự án có khối lượng khởi công đặc biệt cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đã bố trí 600 tỷ đồng, đến nay chúng tôi đã giải ngân 100% và nay đến cuối năm chúng tôi tiếp tục thi công trong mùa lũ vượt nắng thắng mưa và dự kiến giải ngân thêm 300 tỷ để bù được giải ngân chậm của các dự án khác".

Ông Lê Linh, Giám đốc Ban điều hành dự án công ty Trung Chính, nói: "Sau khi thi công xong thì lập hồ sơ và phối hợp với các bên để tiến hành nghiệm thu thanh toán. Việc giải ngân kịp thời giúp cho dòng tiền của các nhà thầu lưu thông và sẽ đáp ứng được tiến độ thi công tổng thể".

Nhiều địa phương phải áp dụng các biện pháp giãn cách vì dịch bệnh cũng là trở ngại cho dự án cao tốc đường bộ Bắc – Nam bởi số lượng người lao động nhiều, địa bàn thi công trải dài qua nhiều vùng trong khi số lượng vaccine tiêm cho nhân công còn hạn chế.

Ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, cho biết: "Bộ đã có văn bản để làm việc với các cơ quan tìm kiếm nguồn vaccine, sẽ ưu tiên cho những lái xe, người làm việc trực tiếp tại công trường. Năm nay, Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai 61 dự án với tổng nguồn vốn 41.000 tỷ đồng. Đến thời điểm này, tiến độ giải ngân đạt khoảng 19.000 tỷ đồng, tương đương với hơn 44%".

Đến thời điểm này, 10 trong tổng số 11 đoạn thuộc cao tốc Bắc Nam đã được triển khai với khối lượng thực hiện khoảng 7 nghìn tỷ đồng. Theo kế hoạch, đến cuối năm nay sẽ có 2 đoạn hoàn thành. Vì thế, Bộ GTVT mới đây cũng đã đề nghị các địa phương tạo thuận lợi cho các luồng vận chuyển nguyên vật liệu đến các công trình. Đồng thời, đại diện Bộ Giao thông vận tải cũng khẳng định sẽ kiên quyết xử lý trách nhiệm cá nhân nếu để tình trạng chậm giải ngân xuất phát từ phía chủ quan.

Bên cạnh vốn đầu tư trong nước, nhiệm vụ giải ngân vốn vay ODA, vốn ưu đãi nước ngoài được cho là còn thách thức hơn nữa. Tại Nghị định 79 mới ban hành, Chính phủ đã điều chỉnh giảm tỷ lệ cho vay lại ngân sách Trung ương đối với các địa phương.

Nếu như trước đây, ví dụ với một dự án ODA có tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng, các địa phương sẽ phải vay ngân sách trung ương 30 tỷ đồng thì nay, với quy định mới, những địa phương khó khăn sẽ chỉ phải vay 10 tỷ đồng, còn lại sẽ được sẽ được ngân sách trung ương hỗ trợ.

Giảm tỷ lệ cho vay lại vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài

Theo quy định mới, các địa phương khó khăn, đang nhận trợ cấp cân đối từ ngân sách trung ương trên 70%, tỷ lệ cho vay lại sẽ giảm từ 30% xuống 10%. Với các địa phương nộp về ngân sách trung ương từ 50-70%, tỷ lệ cho vay lại từ 40% sẽ giảm xuống còn 30%. Việc này giúp giảm bớt gánh nặng trả nợ vay cho các địa phương.

Nỗ lực đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh 3.

Ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính Đối ngoại, Bộ Tài chính, cho biết: "Phần lớn các địa phương ở phía đông bắc còn khó khăn như Điện Biên, Lào C…Như vậy, địa phương có cơ hội tiếp cận vốn ODA nhiều hơn, tức là cái mức phải trả cho ngân sách trung ương thấp hơn".

Một thay đổi khác là tỷ lệ tài sản bảo đảm tiền vay tối thiểu ở dự án của các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ được giảm còn 100% dư nợ của khoản vay lại, thay vì 120% như trước kia.

GS,TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, chia sẻ: "Các tài sản của họ là tài sản của nhà nước, không được thế chấp nên nguồn tài sản của họ khó khăn, nên đưa xuống 100% vốn vay thì chúng ta vẫn đảm bảo bảo toàn vốn và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho họ làm thủ tục tiếp cận vốn ODA".

Hiện Bộ Tài chính cũng đang hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 56 để tháo gỡ những khó khăn về thủ tục trong quản lý và sử dụng vốn ODA, đồng thời, tăng cường trao đổi thông tin giữa các địa phương và các nhà tài trợ nước ngoài để kịp thời giải quyết các hồ sơ cần giải ngân.

Giải ngân thấp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, lãng phí nguồn lực xã hội, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Cùng với việc yêu cầu từng bộ ngành, địa phương phải triển khai đồng loạt nhiều giải pháp cấp bạch và phải chịu trách nhiệm trong công tác giải ngân, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng để rà soát, tháo gỡ kịp thời vướng mắc tại các dự án đầu tư công, phấn đấu tỉ lệ giải ngân năm nay dù có nhiều khó khăn, nhưng sẽ đạt trên 95% kế hoạch.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước