Đến thời điểm này, tín dụng tăng trưởng khoảng 11% so với cuối năm 2020, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 8,7% hồi cuối tháng 10.
Hơn 10 ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước nới hạn mức tín dụng, thêm từ 1 - 6%. Ngân hàng cao nhất được tăng tín dụng hơn 23%. Điều này giúp các ngân hàng có dư địa cấp thêm vốn, tạo đà cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất dịp cuối năm.
"Nhu cầu về đầu tư công trong dịp cuối năm cũng tạo ra nhu cầu vốn của doanh nghiệp. Chưa kể nhiều khách có nhu cầu đẩy mạnh kinh doanh vào trước Tết nguyên đán, đây là thời điểm phù hợp để dòng vốn ngân hàng đi vào hoạt động đó một cách hiệu quả", Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng cho biết.
Trong tháng 11, khoảng hơn 126.000 tỷ đồng tín dụng đã được bơm ra thị trường. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Tài sản của nhiều doanh nghiệp trong thời kỳ COVID-19 bị giảm sút. Chúng tôi sẽ đánh giá tình hình thực tế của đơn vị, không cần tài sản đảm bảo và có gói hỗ trợ riêng tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển", Phó Tổng Giám đốc SeABank Nguyễn Thị Thu Hương cho hay.
Tăng tín dụng sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, các ngân hàng thương mại cần tăng tín dụng đúng đối tượng, tránh đổ vốn vào những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi trong bối cảnh dịch bệnh, các ngân hàng sẽ phải đối mặt với thách thức không nhỏ về nợ xấu.
"Chúng ta tăng tín dụng, nhưng không nới lỏng các điều kiện tiếp cận tín dụng. Đây là tiêu chí quan trọng để giảm bớt quy mô nợ xấu cũng như tác động tiêu cực của vấn đề nợ xấu trong tương lai", ông Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, nhận định.
Ước tính, riêng trong tháng 11, khoảng hơn 126.000 tỷ đồng tín dụng đã được bơm ra thị trường. Vì vậy, nhiều công ty chứng khoán cho rằng tăng trưởng tín dụng năm nay có thể vượt qua mục tiêu 12% của Ngân hàng Nhà nước, đạt khoảng 13%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!