Thống kê riêng trong lĩnh vực nông nghiệp cho thấy, đã có hơn 181.000 ha lúa bị ngập úng, 23.600 ha cây ăn quả bị hư hại.
Cảnh tượng hoang tàn ở hợp tác xã Tân Minh Đức, huyện Gia Lộc, Hải Dương sau khi cơn bão số 3 đi qua. Đơn vị này trước đây là nhà màng chuyên trồng dưa theo công nghệ cao. Chỉ sau một đêm khi cơn bão đi qua, nó đã trở thành một đống hoang tàn.
Đến tận bây giờ, người dân không có đủ kinh phí và nhân công để có thể dọn dẹp và bắt đầu cho một vụ mùa mới. Những trái dưa trước đây là thành quả ngon ngọt cho người nông dân ở đây, hàng trăm triệu thu nhập mỗi năm thì hiện nay nó đang trở thành một gánh nặng.
Những chính sách hỗ trợ về nguồn vốn vào lúc này rất cần thiết
Cả hợp tác xã có hơn 40 ha trồng dưa lưới công nghệ cao, tính đến nay thiệt hại lên tới 180 tỷ đồng, gồm cả tiền hoa màu và tiền nhà màng bị hư hỏng.
Ông Hoàng Anh Thư - Phó Giám đốc HTX Tân Minh Đức, Hải Dương cho biết: "Thành viên của chúng tôi không còn vốn. Các nhà màng này còn đang nợ, chưa thu hồi vốn xong, mới làm được hai năm, chưa thu hồi vốn xong, vẫn nợ ngân hàng. Bây giờ lại bị như thế này thì không biết lấy đâu ra để mà làm".
Chia sẻ với khó khăn của người dân, nhiều ngân hàng đã quyết định giảm lãi suất cho cả khách hàng vay cũ và cả vay mới, đồng thời, giãn, hoãn, điều chỉnh kỳ hạn nợ, giúp người vay có thời gian khắc phục hậu quả sau bão lũ.
Bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng giám đốc Agribank nhận định: "Mức độ thiệt hại của khách hàng khác nhau, có những khách hàng bị thiệt hại toàn bộ, có những khách hàng thiệt hại một phần và có những khách hàng bị ảnh hưởng. Chúng tôi đang dự kiến sẽ giảm lãi suất đối với khách hàng bị ảnh hưởng như thế với mức độ từ 0,5% - 2%".
Ông Phạm Hồng Phú - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Bán lẻ MSB nêu ý kiến: "Liên quan đến thế chấp đang cho vay đối với hộ kinh doanh để khắc phục bão lũ chỉ còn 5,8% đối với khách hàng có tài sản đảm bảo. Với khách hàng bị thiệt hại và không còn tài sản bảo đảm, mức lãi suất hiện tại chỉ là 8,5% với các kỳ hạn ngắn. Đối với khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ không có tài sản, lãi suất hiện tại đang giảm xuống là mức 7,7%/năm".
Lãnh đạo NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại không được thu nợ bằng mọi cách mà phải linh hoạt, thể hiện trách nhiệm chia sẻ, tạo điều kiện phục hồi sản xuất cho người dân và doanh nghiệp.
Trước mắt, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về khắc phục hậu quả siêu bão số 3, ổn định tình hình nhân dân. Về lâu dài, Chính phủ sẽ nghiên cứu ban hành Chương trình khắc phục hậu quả bão lũ, khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để thực hiện.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!