Nông dân tham gia đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao được vay ngân hàng không thế chấp

Mai Phương-Chủ nhật, ngày 10/09/2023 13:03 GMT+7

VTV.vn - Với việc phát triển đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, nông dân có thể được vay ngân hàng không thế chấp tối đa khoảng 20 triệu đồng một vụ sản xuất.

Giá lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long liên tục tăng. Giá gạo xuất khẩu bình quân trong 8 tháng qua đạt 542 USD/tấn, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Với nông dân, đây là “ngàn năm có một”, bởi nhiều năm nay, họ đa phần lấy lợi nhuận vụ trước làm vốn cho vụ sau, nhưng vẫn không đủ và phải đi vay thêm. Tuy nhiên hiện nay, nhiều nông dân đã được hỗ trợ vốn thông qua nhiều kênh khác nhau, đa dạng hơn, không chỉ phụ thuộc vào một nguồn tín dụng như trước đây.

Để chuẩn bị sản xuất cho vụ 3, ông Hiện đã đầu tư khoảng 58 triệu đồng cho tiền giống, thêm khoản tiền vật tư phân bón và thuốc trừ sâu tổng cộng hơn 250 triệu đồng cho khoảng 20 hecta. Tuy nhiên chi phí đầu tư này không còn là nỗi lo với nhiều nông dân khi tham gia liên kết với doanh nghiệp.

Thời điểm này, nhiều nông dân tại xã Núi Tô, huyện Tri tôn, tỉnh An Giang đã bắt đầu giống lúa cho vụ Thu Đông. Đối với Hợp tác xã Nông nghiệp Lộc Phát 1, tại đây dự kiến sẽ có khoảng 200 hecta lúa cho vụ này. Số tiền đầu tư ban đầu từ giống cho đến vật tư ước tính khoảng 2 tỷ đồng.

"Về chi phí, doanh nghiệp sẽ cung ứng chuỗi đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu và lúa giống cho bà con..., tới cuối vụ mới thanh toán lại", ông Đặng Thế Hiện, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Lộc Phát 1, huyện Tri tôn, An Giang, chia sẻ.

Nông dân tham gia đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao được vay ngân hàng không thế chấp - Ảnh 1.

Trong tương lai, với việc phát triển đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, nông dân có thể được vay ngân hàng không thế chấp tối đa khoảng 20 triệu đồng một vụ sản xuất. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Theo Hội Nông dân huyện Tri Tôn, đối với các khoản vay lớn cho vật tư nông nghiệp, nông dân trồng lúa có thể liên kết với doanh nghiệp. Còn đối với các khoản vay nhỏ hơn, nông dân có thể được hỗ trợ thông qua hội, chủ yếu là các mô hình có tính ứng dụng công nghệ cao.

"Chúng tôi còn tranh thủ thêm nguồn vốn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tranh thủ vốn xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao và sản xuất của chương trình mục tiêu quốc gia. Chúng tôi sẽ hỗ trợ cho từng người ở từng xã để bà con học hỏi", ông Trần Văn Mì, Hội Nông dân huyện Tri Tôn, cho biết.

Theo khảo sát từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có khoảng 180 doanh nghiệp được phép xuất khẩu gạo, nhưng hiện chỉ có 50 doanh nghiệp báo cáo có liên kết sản xuất theo chuỗi. Vì vậy, một số doanh nghiệp cho rằng có thể tháo gỡ nhu cầu vốn cho nông dân chưa tham gia liên kết bằng cách cơ chế mới.

"Nếu có thể cho phép nông dân hoặc doanh nghiệp được vay trên nền tảng của sản phẩm hình thành trong tương lai và tương lai này chỉ có 123 ngày, thì lúc đói dòng chảy về vốn và tài chính sẽ ổn định, nông dân sẽ không phải lo lắng trong việc bán sớm, bán trễ", ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, cho hay.

Trong tương lai, với việc phát triển đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, nông dân có thể được vay ngân hàng không thế chấp tối đa khoảng 20 triệu đồng một vụ sản xuất và được hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp đối với cây lúa.

Tăng hấp thụ vốn cho nền kinh tế Tăng hấp thụ vốn cho nền kinh tế

VTV.vn - Sức hấp thụ vốn của các doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn đang khá yếu, vì vậy cần phải có giải pháp hiệu quả.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước