Theo các chuyên gia, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp có không gian rộng hơn để tái cấu trúc doanh nghiệp, thêm cơ hội xuất khẩu, gia tăng sản xuất, cơ hội để tuyển dụng thêm lao động. Doanh nghiệp phát triển cũng chính là cơ sở bền vững để nhà nước có nguồn thu lớn bền vững, lâu dài.
Tiến sĩ Trần Ngọc Thơ, Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng: “Ngoài việc giảm thuế TNDN hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhằm tăng nguồn thu cho nền kinh tế, ít nhất là trong ngắn hạn, nguồn thu cho ngân sách sẽ giảm đi và điều này sẽ tạo sức ép cho chính phủ tiết kiệm các khoản chi tiêu, đầu tư công”.
Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cũng đang là xu hướng chung được nhiều nền kinh tế trong khu vực thực hiện có hiệu quả.
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân trẻ TP.HCM phân tích: “Tại Malaysia đã giảm thuế liên tục trong thời gian vừa qua. Năm 2005 thuế là 28%, giảm liên tục ba lần và 2009 ở mức 25%. Tương tự như vậy, ở Thái Lan năm 2005 là 30% và năm 2012 vừa rồi giảm xuống còn 23%. Như vậy xu thế giảm thuế TNDN của các nước trong khu vực là có. Với Việt Nam, quy mô như hiện nay, sức cạnh tranh của nền kinh tế như hiện nay chúng ta nên xem xét đưa ra một thuế suất hợp lý vừa khuyến khích doanh nghiệp trong nước, vừa thu hút đầu tư. Theo tôi mức 20% là hợp lý”.
Theo tính toán, năm 2014 nếu giảm thuế suất từ 25% xuống 23% dự kiến giảm thu ngân sách hơn 12.000 tỷ đồng. Nếu áp dụng thuế suất 20% thì con số này lớn hơn nhiều nữa.
Theo ý kiến một số chuyên gia, nếu giảm quá sâu thì đúng là có hỗ trợ được các doanh nghiệp khó khăn, nhưng lại tạo quá nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp vẫn đang có lợi nhuận cao. Chính vì thế, giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp còn 23% cũng sẽ tốt, với điều kiện Luật Thuế được quy định rõ ràng hơn.
Ông Mai Thanh Tòng, Phó Chủ tịch Hội kế toán TP.HCM thẳng thắn: “Chính sách ưu đãi miễn giảm thuế cần phải ổn định lâu dài, chứ lúc thì cho ngành nghề này được giảm, khu chế xuất kia được giảm, lúc lại không cho thành ra doanh nghiệp không hoạch định kế hoạch kinh doanh của họ được, họ không thể đầu tư mở rộng được, đó là cái khó đầu tiên. Cái thứ hai nữa là điều kiện thủ tục phải làm sao cho dễ hiểu, rõ ràng để chủ doanh nghiệp đọc người ta biết là tôi được hưởng thì người ta tự khai tự nộp, còn nếu thấy không được thì người ta nộp thuế bình thường. Hiện nay chúng ta khó cái là văn bản luật của mình về thuế viết rất khó hiểu”.