Nông sản Việt cần nỗ lực vượt rào để vào "sân chơi" lớn

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 16/08/2020 06:51 GMT+7

VTV.vn - Bên cạnh những cơ hội lớn mà Hiệp định EVFTA mang lại, xuất khẩu nông sản Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức mới khi bước vào sân chơi lớn này.

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) vừa chính thức có hiệu lực đã tạo ra cơ hội lớn cho tăng trưởng xuất khẩu vào EU, nhất là với các nhóm hàng như: Rau quả, cà phê, hạt tiêu, gạo, cá ngừ, tôm. Một trong những lý do là các dòng thuế đối với các mặt hàng này đã giảm mạnh, có mặt hàng về 0%. 

Tuy nhiên, ưu đãi về thuế chỉ là một trong những yếu tố. Điều cốt lõi là Việt Nam có dễ dàng tận dụng được ưu đãi để biến thành sức mạnh cạnh tranh tại thị trường này - một thị trường với khoảng 500 triệu dân có đời sống ở mức cao hay không? Câu trả lời là chưa chắc.

Nông sản Việt cần nỗ lực vượt rào để vào sân chơi lớn - Ảnh 1.

EVFTA đối với nông sản Việt Nam không chỉ đơn thuần là cơ hội mà còn dẫn đến thách thức, không hề nhỏ.

Vấn đề cần nhìn nhận là nội lực của nông sản Việt như thế nào. Ví dụ hiện nay, Việt Nam có 39 sản phẩm đã được EU bảo hộ chỉ dẫn địa lý nhưng những sản phẩm này vẫn tiếp cận thị trường châu Âu một cách dè dặt.

Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ vẫn đang là tình trạng chung khiến nông sản Việt khó cạnh tranh với những sản phẩm tương tự của Thái Lan, Ấn Độ hay Indonesia. Nhìn từ thị trường EU có thể thấy nhiều yếu điểm của nông sản Việt.

Điểm yếu của nông sản Việt khi thực thi Hiệp định EVFTA

Hiện một số ngành hàng nông sản có nguy cơ khó đáp ứng các quy định về xuất xứ khi đang sử dụng nhiều nguyên liệu nhập khẩu.

Đối với khai thác thuỷ sản, EU vẫn đang áp "Thẻ vàng", nên việc EU tăng cường kiểm soát 100% các lô hàng thuỷ sản đang là rào cản cho xuất khẩu sang EU.

Bên cạnh đó, rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nông, lâm, thủy sản nhập khẩu từ phía EU rất chặt chẽ nhưng đa số nông sản của Việt Nam như hồ tiêu, chè, rau quả… vẫn thiếu tính đồng nhất trong từng lô hàng.

Ngoài ra, công tác thu hoạch, bảo quản chưa tốt; vệc tăng sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu và khả năng bảo hộ sản phẩm trong nước còn yếu... khiến ngành dự báo gặp bất lợi, nhất là lĩnh vực chăn nuôi.

Thay đổi từ nội lực để tận dụng EVFTA

EVFTA có hiệu lực trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát tại nhiều nước châu Âu khiến hiệu quả khó có thể thấy ngay. Bởi vậy điều cần làm lúc này là chuẩn bị đáp ứng cho thị trường vốn được coi là khó tính nhất này, với những quy định nghiêm ngặt nhất về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc…

Theo Bộ NN- PTNT, điều tiên quyết vẫn phải là nội lực và quyết tâm đổi mới ở từng ngành hàng, không phải chỉ tận dụng ưu đãi.

Nông sản Việt cần nỗ lực vượt rào để vào sân chơi lớn - Ảnh 2.

Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ vẫn đang là tình trạng chung khiến nông sản Việt khó cạnh tranh. Ảnh minh họa.

Hiện Bộ NN-PTNT đã lên kế hoạch thực hiện cụ thể cho khu vực quản lý nhà nước, tư nhân, hiệp hội ngành hàng và người dân. Trên cơ sở này Bộ cũng đã chỉ định các cơ quan đầu mối để giám sát, xây dựng chính sách và triển khai hiệu quả các cam kết từ hiệp định. Mục tiêu là nâng cao năng lực cạnh tranh cho từng ngành hàng chủ lực

Việc hoàn chỉnh các yêu cầu của đối tác châu Âu cũng là cơ hội nâng tầm các sản phẩm nông sản. Trong đó, giá trị thực nhận được chính là giá bán ở mức cao và kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh nhờ chất lượng chứ không phải phụ thuộc hoàn toàn vào sản lượng như đối với nhiều thị trường truyền thống hiện nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước