Tiêu đen Việt Nam đã có mặt trên sàn giao dịch hàng hoá Singapore. Ảnh: Internet
Để tìm hiểu rõ hơn thông tin về những lợi ích mà các doanh nghiệp Việt Nam có được khi tham gia giao dịch tại sàn Singapore cũng như triển vọng lên sàn của các mặt hàng nông sản khác của Việt Nam, nhóm phóng viên thường trú Đài Truyền hình Việt Nam tại Singapore đã phỏng vấn ông V.Hariharan, Chủ tịch sàn giao dịch hàng hoá Singapore.
Cảm ơn ông đã tham gia chương trình. Ông có thể cho biết các doanh nghiệp Việt Nam có lợi ích gì khi tham gia giao dịch trên sàn giao dịch hàng hoá Singapore?
Ông V.Hariharan: Có thể lấy hợp đồng tiêu đen làm ví dụ. Chúng tôi đưa hợp đồng này vào giao dịch năm ngoái và đến nay là một giao dịch rất thành công về sản phẩm nông nghiệp. Hợp đồng lấy giá tham chiếu là giá tiêu đen giao tại Việt Nam và giá hàng hoá được chỉ dẫn là hạt tiêu theo chất lượng Việt Nam, người bán và người mua sẽ dựa vào đó để tiến hành giao dịch. Theo đó, hàng hoá giao dịch được định nghĩa với đầy đủ các tham số được liệt kê trên sàn. Cả người mua và người bán đến sàn giao dịch và khi giá cả khớp nhau, giao dịch diễn ra tức thời. Như vậy người bán hàng ở Việt Nam có thể gặp người mua ở Mỹ, châu Âu hay bất kỳ nơi nào trên thế giới. Với cách thức giao dịch như vậy, nông dân ở Việt Nam có thể giới thiệu hàng hoá trên phạm vi toàn cầu.
Vậy làm thế nào thì các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia sàn giao dịch hàng hoá Singapore?
Ông V.Hariharan: Với các chính sách và quy định, đến thời điểm này các nhà doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia sàn SMX qua ngân hàng. (Hiện có khoảng 8-9 ngân hàng được chỉ định ở Việt Nam và có thể giao dịch toàn cầu). Để phát triển sàn giao dịch đầy đủ trong tương lai, chúng tôi hy vọng chính sách có thể được cởi mở hơn để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia trực tiếp trên sàn SMX bởi họ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam và khi đó, các nhà giao dịch Việt Nam có thể tham gia SMX với tư cách là thành viên, đó là cách hiệu quả nhất thay vì tham gia thông qua một vài trung gian khác.
Tiếp theo thành công của hợp đồng tiêu đen, SMX sẽ đưa tiếp sản phẩm nào của Việt Nam lên sàn?
Ông V.Hariharan: Mục tiêu của SMX là chúng tôi muốn tạo ra giá tham chiếu toàn cầu cho sản phẩm địa phương, chúng tôi đã thử nghiệm thành công với một sản phẩm của châu Á mà Việt Nam sản xuất chiếm đa số là tiêu đen. Hiện chúng tôi xác định 2 loại hàng hoá giao dịch tiếp theo của Việt Nam là cà phê và hạt điều, chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu và có thể mất 9 tháng đến 1 năm để hoàn thành các thông số 2 loại hàng hoá này để có thể giao dịch.
Một tin vui là hợp đồng tiêu đen của chúng tôi đã được tổ chức Nông lương LHQ trao giải Hợp đồng giao dịch cải tiến nhất trong năm 2012 và đây là thắng lợi của cả Việt Nam và SMX.
Xin cảm ơn ông đã tham gia trả lời phỏng vấn.
Hữu Hưng