Nông sản Việt trong quá trình hội nhập và cạnh tranh toàn cầu

Nguyễn Cung-Thứ năm, ngày 27/03/2025 20:06 GMT+7

VTV.vn - Đẩy mạnh chế biến sâu, phát triển nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm thương hiệu quốc gia, giúp nông sản Việt đáp ứng yêu cầu, gia tăng giá trị và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, 2 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt của nước ta đạt 9,38 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam - chiếm 42,2%, tiếp theo là châu Mỹ và châu Âu chiếm lần lượt 24,2% và 15,5%.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nông sản Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn về việc nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường quốc tế. Các quốc gia trên thế giới đang gia tăng các biện pháp kiểm soát chất lượng nông sản, yêu cầu cao hơn về an toàn thực phẩm, cũng như về môi trường sản xuất. Điều này không chỉ là cơ hội mà còn là áp lực đối với nông sản Việt Nam trong quá trình hội nhập và cạnh tranh toàn cầu.

Tăng cường kiểm soát chất lượng nông sản

Năm 2024, nông sản của Việt Nam nhận 114 cảnh báo từ Liên minh châu Âu EU, trong đó có 61 cảnh báo về dư lượng hóa chất, tăng 23 lần so với năm 2023. Các quy định của EU về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm liên tục có thay đổi, có những quy định đã được sửa đổi bổ sung tới hơn 100 lần.

Hai tháng đầu năm 2025, Liên minh châu Âu EU đã gửi 16 cảnh báo đối với các sản phẩm nông sản và thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam do vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.

Trung Quốc là thị trường lớn và quan trọng đối với nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, quốc gia này đã siết chặt các quy định kiểm định chất lượng đối với nông sản nhập khẩu, đặc biệt là từ Việt Nam. Điều này đang tạo ra không ít khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt, đồng thời yêu cầu các nhà sản xuất, chế biến và xuất khẩu phải nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe.

Nông sản Việt trong quá trình hội nhập và cạnh tranh toàn cầu - Ảnh 1.

Việc Trung Quốc siết chặt kiểm định đối với qủa sầu riêng của Việt Nam đã ảnh hưởng rất lớn đế xuất khẩu nông sản của nước ta vào thị trường tỷ dân này.

Quả sầu riêng của nước ta bị giảm đến 80% kim ngạch xuất khẩu do một quy định siết chặt kiểm định từ Trung Quốc đã trở thành bài học đắt giá cho nhiều mặt hàng khác muốn tham gia vào thị trường tỷ dân đầy tiềm năng này.

Thị trường quốc tế đang đặt ra những yêu cầu ngày càng khắt khe về chất lượng nông sản, đặc biệt là an toàn thực phẩm, quy trình sản xuất bền vững và bảo vệ môi trường. Các quốc gia nhập khẩu nông sản như Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc đều có những hệ thống kiểm tra và kiểm soát chất lượng rất nghiêm ngặt. Các tiêu chuẩn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng nước, độ an toàn của sản phẩm đều được các nước này đặt ra nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.

Chính phủ đã có đề án thực thi về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), nhưng đến nay mới có 18/63 tỉnh thành triển khai. Các vựa nông sản lớn như đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ chưa thông suốt về hệ thống thông tin thị trường. Văn phòng SPS Việt Nam đặt tại Hà Nội đang là cơ quan chủ quản duy nhất cung cấp thông tin cho doanh nghiệp.

Ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho hay: "Doanh nghiệp có cần hỏi đáp thì đều phải gửi văn bản ra Hà Nội, có thể mất 3-4 ngày, xử lí xong phải mất hàng tuần. Nếu chúng ta đã xác định xuất khẩu nông sản chủ lực ở vùng Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long cũng như Nam Trung Bộ, tùy theo mặt hàng thì SPS phải gắn với vùng địa phương đó bằng nhiều hình thức như văn phòng đại diện hay cổng thông tin trực tuyến".

Quy định sẽ ngày càng chặt chẽ, đó là xu thế không thể đảo ngược. Nâng cao khả năng thích ứng với các yêu cầu thị trường của từng doanh nghiệp và các địa phương là yêu cầu cấp thiết để ngành nông nghiệp giữ đà tăng trưởng.

Ngoài ra, xu hướng tiêu dùng của các quốc gia cũng đang thay đổi, khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến chất lượng và nguồn gốc của thực phẩm. Các vấn đề như thực phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ, hay các sản phẩm không chứa hóa chất độc hại đang được ưu tiên lựa chọn. Điều này thúc đẩy các quốc gia nhập khẩu phải kiểm tra nghiêm ngặt và áp dụng các biện pháp quản lý chất lượng chặt chẽ hơn.

Việc các quốc gia tăng cường kiểm soát chất lượng nông sản là một thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm và cải thiện khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Để vượt qua thách thức này, Việt Nam cần đầu tư vào công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, và phát triển sản phẩm chế biến sâu, đồng thời xây dựng các chính sách hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp. Việc này không chỉ giúp nông sản Việt nâng cao giá trị, chất lượng và phát triển bền vững ngành nông sản.

Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của nông dân

Một trong những yếu tố quan trọng nhất để cải thiện chất lượng nông sản chính là nâng cao nhận thức và kỹ năng của nông dân trong việc sản xuất nông sản sạch và an toàn. Chính phủ và các tổ chức chuyên môn cần cung cấp các chương trình đào tạo về kỹ thuật sản xuất nông sản hữu cơ, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường cho nông dân. Đồng thời, cần có các chính sách khuyến khích nông dân áp dụng các phương pháp canh tác hiện đại, bền vững, giảm phụ thuộc vào hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, giúp nâng cao chất lượng nông sản, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc xuất khẩu sang các thị trường quốc tế.

Áp dụng công nghệ cao trong sản xuất

Nông sản Việt trong quá trình hội nhập và cạnh tranh toàn cầu - Ảnh 2.

Ứng dụng các công nghệ mới trong canh tác, sản xuất theo chuỗi để kiểm soát được chất lượng cũng như gia tăng giá trị cho nông sản.

Công nghệ cao có thể giúp Việt Nam nâng cao chất lượng nông sản và cải thiện năng suất. Việc ứng dụng các công nghệ mới trong canh tác, sản xuất theo chuỗi, như công nghệ tưới tiêu thông minh, công nghệ xử lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hoặc các hệ thống kiểm soát chất lượng tự động sẽ giúp đảm bảo chất lượng nông sản ổn định, đồng thời giảm thiểu các rủi ro liên quan đến môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.

Sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, VietGAP, hay các chứng nhận hữu cơ là một trong những giải pháp quan trọng. Đồng thời, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và doanh nghiệp trong việc giám sát chất lượng, kiểm tra các sản phẩm trước khi xuất khẩu để đảm bảo nông sản Việt đáp ứng yêu cầu của các thị trường, đặc biệt là Trung Quốc.

Phát triển sản phẩm nông sản chế biến sâu

Nông sản Việt trong quá trình hội nhập và cạnh tranh toàn cầu - Ảnh 3.

Phát triển sản phẩm chế biến sâu để nâng cao giá trị xuất khẩu trên thị trường quốc tế.

Để nâng cao giá trị gia tăng và cải thiện khả năng cạnh tranh, nông sản Việt Nam cần được chế biến sâu hơn, không chỉ dừng lại ở việc xuất khẩu nguyên liệu thô. Các sản phẩm chế biến sẵn, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm mang thương hiệu quốc gia có thể giúp nông sản Việt không chỉ đáp ứng yêu cầu về chất lượng mà còn gia tăng giá trị và mở rộng thị trường. Các doanh nghiệp cần chủ động, chú trọng vào việc xây dựng thương hiệu, chứng nhận sản phẩm, cũng như đẩy mạnh marketing để nâng cao giá trị thương mại cho nông sản Việt.

Tăng cường hợp tác quốc tế

Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế trong việc xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần tích cực tham gia vào các hiệp định thương mại quốc tế, để có thể nắm bắt và thực hiện các yêu cầu về chất lượng, từ đó giúp nông sản Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước