Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2021, đồng thời bày tỏ quan ngại về việc biến thể Omicron đang tạo thêm nhiều rủi ro và có khả năng trở thành mối đe dọa đối với đà phục hồi của kinh tế toàn cầu.
OECD dự báo kinh tế toàn cầu trong năm 2021 sẽ tăng trưởng ở mức 5,6%, thấp hơn so với dự báo 5,7% được đưa ra trước đó. Dự báo tăng trưởng của năm 2022 vẫn được giữ nguyên ở mức 4,5%, nhưng chưa tính tới tác động từ biến thể Omicron.
Ông Mathias Cormann - Tổng thư ký OECD cho hay: "Chừng nào mối đe dọa dịch bệnh còn cao, nền kinh tế vẫn rất dễ bị tổn thương. Đó là lý do vì sao chúng ta cần tiếp tục cảnh giác, ứng phó với bất kỳ đợt bùng phát mới nào có thể làm suy yếu đà phục hồi của khu vực và trên toàn cầu".
Theo OECD, xu hướng phục hồi kinh tế hiện nay mới chỉ là tạm thời và chưa thực sự vững chắc. Do vậy ưu tiên chính sách là các nước trên thế giới phải sản xuất vaccine và triển khai tiêm chủng nhanh nhất có thể để hạn chế rủi ro từ các biến thể nguy hiểm gây bệnh COVID-19.
"Các nước G20 đã chi 10.000 tỷ USD để hỗ trợ cho người dân và nền kinh tế của họ kể từ khi đại dịch bùng phát. Cần 50 tỷ USD để đảm bảo việc tiêm chủng trên toàn thế giới. Nếu chúng ta không tiêm chủng cho mọi người, ở mọi nơi, chuỗi cung ứng sẽ bị tắc nghẽn và các yếu tố mất cân bằng sẽ tiếp tục kéo dài", bà Laurence Boone - chuyên gia kinh tế OECD cho hay.
Về các mối quan ngại khác đối với kinh tế toàn cầu, OECD dự báo tình trạng thiếu hụt nguồn cung sẽ được cải thiện trong giai đoạn 2022 - 2023 khi nhu cầu dần ổn định, năng lực sản xuất và số người đi làm tăng trở lại. Lạm phát được dự báo sẽ đạt đỉnh khi bước sang năm mới, trước khi giảm dần.
"Mặc dù chúng tôi kỳ vọng áp lực lạm phát sẽ bắt đầu giảm dần trong năm mới nhưng cần lưu ý rằng, người tiêu dùng sẽ phải đối mặt với nhiều sức ép nếu tình trạng thiếu hụt vẫn kéo dài và giá cả vẫn ở mức cao", ông Mathias Cormann nói.
Bên cạnh đó, OECD cũng bày tỏ lo ngại về sự không đồng đều trong tốc độ phục hồi của các nước. Một số khu vực như Mỹ, EU và Trung Quốc đang nhanh chóng phục hồi. Trong khi đó, nhiều quốc gia có thu nhập thấp và tỷ lệ tiêm phòng còn hạn chế, lại đang phải đối mặt với nguy cơ bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là khi xuất hiện thêm những biến thể mới nguy hiểm hơn của virus SARS-CoV2.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!