Các chuyên gia của OECD đưa ra thông điệp rõ ràng đó là ECB nên xem xét việc mua vào trái phiếu doanh nghiệp và Chính phủ để tránh giảm phát, giống như Nhật đã từng làm và cũng không khác gì gói nới lỏng định lượng mà Mỹ đã áp dụng. Tuy nhiên, nội bộ đang chia rẽ là rào cản với ngân hàng này.
Ông Pier Carlo Padoan, kinh tế gia trưởng OECD: “ECB buộc phải thận trọng mặc dù cắt giảm lãi suất nhưng hệ thống tài chính còn nhiều rủi ro, giảm phát có thể gây ra nhiều hậu quả hơn chúng ta nghĩ. Vấn đề ECB phải luôn chuẩn bị sẵn tất cả kịch bản”.
Lạm phát trong tháng 10 tại Eurozone đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. ECB đã gây bất ngờ cho giới phân tích hồi đầu tháng khi cắt giảm lãi suất tái cấp vốn với hy vọng dòng tiền sẽ đổ vào nền kinh tế nhiều hơn, kéo lạm phát tăng.
Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp cao và tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn buộc ECB phải hành động mạnh hơn nữa. Eurozone vẫn đang mắc kẹt trong bẫy giảm phát và một quốc gia đơn lẻ sẽ không giải quyết được vấn đề mà cần có tiếng nói chung đặc biệt những nền kinh tế lớn.
Những “động cơ kéo” của khu vực như Đức, Pháp lại đang chứng kiến tăng trưởng giảm trong quý III vừa qua. Thêm vào đó, các thị trường mới nổi tăng trưởng không như kỳ vọng cũng là những yếu tố buộc OECD phải có những bước đi mạnh mẽ hơn. Trước đó OECD đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới 2013 chỉ còn 2,7% thay vì mức 3,1% như đã đưa ra.