Theo IHS Markit, chỉ số Quản lý thu mua PMI của Eurozone đã giảm xuống chỉ còn 52,4 điểm trong tháng 1. Chỉ số PMI đo lường sức khỏe của lĩnh vực sản xuất, trên 50 điểm là dấu hiệu của sự tăng trưởng. Mức tăng PMI như vậy là thấp nhất trong vòng 11 tháng.
Trong khối Eurozone, nền kinh tế Đức vẫn duy trì vai trò đầu tàu, nhưng bản thân Đức cũng cảm thấy áp lực do phải thực thi các chính sách hạn chế ngành dịch vụ và đi lại nhằm chống dịch.
"Cần gia hạn các lệnh hạn chế vì tỷ lệ lây nhiễm đã chạm mức rất cao. Chính phủ liên bang và chính quyền các bang đều thống nhất về chính sách này", Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh.
Dịch COVID-19 vẫn đang lây lan nhanh ở châu Âu và Mỹ, gây quan ngại về triển vọng phục hồi sớm của các nền kinh tế Âu - Mỹ. (Ảnh minh họa - Ảnh: Getty Images)
Cùng với châu Âu, Mỹ cũng chịu tác động mạnh của Omicron bất chấp các tuyên bố lạc quan của nhà chức trách nước này. Chỉ số PMI ở Mỹ trong tháng 1 vẫn tăng, nhưng mức tăng trưởng thấp nhất trong 15 tháng trở lại đây. Thiếu hụt lao động và dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phục hồi của kinh tế Mỹ.
"Có quá nhiều điều không chắc chắn ảnh hưởng đến nền kinh tế, từ tình hình Ukraine đến Omicron. Hiện tại, chúng ta vẫn chưa biết khi nào sự bất ổn này mới kết thúc. Theo tôi, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Powell sẽ không thể siết chặt chính sách tiền tệ quá mạnh tay vì điều đó sẽ khiến thị trường sụp đ, và sau đó ông ấy lại phải hạ lãi suất để cứu thị trường. Cứ tăng và hạ lãi suất như thế sẽ thật vô nghĩa", ông Robert Halver, nhà phân tích, ngân hàng Baader, nhận định.
Các nhà quan sát thị trường hy vọng đợt bùng phát dịch lần này sẽ sớm kết thúc, tuy nhiên cho đến nay, dịch COVID-19 vẫn đang lây lan nhanh ở châu Âu và Mỹ, gây quan ngại về triển vọng phục hồi sớm của các nền kinh tế Âu - Mỹ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!