Ảnh: Reuters.
Kể từ khi Saudi Arabia và các nước thành viên Arab khác của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Mỹ để phản đối việc nước này ủng hộ Israel trong cuộc chiến tranh Yom Kippur, những thay đổi trong tình hình chính trị toàn cầu, cùng xu hướng gia tăng sản lượng dầu mỏ của nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã phần nào giúp Washington "lật ngược thế cờ".
* Sự nhượng bộ của OPEC
Trên thị trường dầu mỏ hiện nay, trong khi các thành viên "diều hâu" nhất của OPEC, bao gồm Iran và Venezuela, đều đã trở thành nạn nhân của các lệnh trừng phạt Mỹ, "người anh cả" Saudi Arabia lại thể hiện tâm lý ôn hoà hơn đối với Washington.
Các quan chức của OPEC cho biết, trong khi OPEC với tư cách là một khối đã kết hợp lại để đối trọng với áp lực giảm giá dầu từ Mỹ trong nhiều thập kỷ, đặc biệt là vào năm 2011 trong cuộc nổi dậy chống lại Tổng thống Muammar Gaddafi của Libya, thì ba năm qua, khối này đã trở nên ôn hoà hơn.
Được thành lập tại Baghdad vào ngày 14/9/1960 với mục tiêu đối trọng lại với 7 công ty dầu mỏ của Mỹ và Anh, song OPEC đã nhiều lần phải nhượng bộ trước mong muốn bơm thêm dầu của Washington kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức vào đầu năm 2017.
Vị Tổng thống 74 tuổi của nước Mỹ thường xuyên kêu gọi các nhà sản xuất giảm giá xăng dầu để giúp đỡ người tiêu dùng Mỹ. Ngoài ra, khi giá dầu rơi xuống mức quá thấp đối với các nhà sản xuất Mỹ, OPEC đã đồng ý nâng giá nhẹ trở lại. Thoả thuận này được thúc đẩy giữa bối cảnh Riyadh lo ngại Washington sẽ giảm sự ủng hộ quân sự dành cho mình, các nguồn tin nói với Reuters.
Chakib Khelil, người từng là Bộ trưởng Dầu mỏ của Algeria trong một thập kỷ và là Chủ tịch OPEC trong giai đoạn 2001- 2008, đã nói với hãng tin Reuters: "Tổng thống Trump yêu cầu Saudi Arabia thực hiện những gì ông ấy cần trên thị trường dầu mỏ - và ông ấy đã được thoả mãn. "Vì vậy, OPEC thực sự đã thay đổi".
* Sự can dự nhiều hơn của Mỹ
Saudi Arabia là nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu của OPEC trong nhiều thập kỷ. Điều này giúp quốc gia Tây Á có ảnh hưởng lớn nhất về chính sách. Ngoài ra, việc Iran và Venezuela hiện phải "đứng ngoài cuộc chơi" vì các lệnh trừng phạt của Washington cũng giúp làm tăng ảnh hưởng của Riyadh.
Điều này được minh chứng qua những con số. Thị phần sản lượng của Iran trong OPEC đã giảm gần một nửa, xuống còn 7,5% kể từ năm 2010, trong khi thị phần của Venezuela cũng giảm xuống chỉ còn 2,3% từ mức gần 10%, theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu của OPEC. Trong khi đó, thị phần của Saudi Arabia đã tăng 7 điểm phần trăm lên 35%.
Iran và Venezuela cùng với các quốc gia Iraq, Kuwait và Saudi Arabia trước đây đã thường xuyên phản đối các hành động nhằm hạ giá dầu trước sức ép của Washington. Tuy nhiên, sự thống trị ngày càng tăng của Saudi Arabia trong OPEC lại đến vào thời điểm sản lượng dầu và khí đốt của Mỹ ngày một tăng cao, biến nước này thành nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới và giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu nước ngoài.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu của Mỹ đã tăng hơn gấp đôi trong vòng một thập kỷ, lên mức hơn 12 triệu thùng/ngày vào năm 2019, do công nghệ khoan dầu được cải tiến, khiến những khu vực từng được coi là khó khai thác đã trở nên có thể tiếp cận được.
Ngoài ra, số liệu của OPEC cũng cho thấy thị phần của Mỹ trên thị trường dầu mỏ toàn cầu đã tăng gấp đôi kể từ năm 2010, trong khi sản lượng của OPEC lại giảm.
Mặc dù OPEC đã hợp tác với Nga và 9 nhà sản xuất khác từ năm 2016 để thành lập một nhóm được gọi là OPEC+, nhằm làm tăng đòn bẩy tập thể của họ, song một quan chức cấp cao của chính quyền Trump nhận định rằng sức ảnh hưởng của liên minh mới cũng sẽ bị suy yếu khi sản lượng của Mỹ tăng vọt.
Tổng thống Trump được cho là có khuynh hướng hợp tác tích cực hơn với OPEC so với những người tiền nhiệm. Ông thường lên Twitter để bình luận về các quyết định sản xuất hay biến động giá dầu. Ngoài ra, ông Trump cũng đã phát triển mối quan hệ thân thiết với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman.
Gary Ross, người sáng lập Black Gold Investors và là một chuyên gia về OPEC, cho biết: "Chưa bao giờ chính quyền Mỹ tham dự nhiều vào chính sách dầu mỏ quốc tế và khối OPEC như dưới thời Tổng thống Trump".
Vào năm 2018, khi giá dầu tăng vọt hơn 70 USD/thùng, mức mà Washington coi là quá cao đối với người tiêu dùng Mỹ, ông Trump đã viết tweet nhắm vào OPEC: "Giá dầu quá cao. Không tốt!". Sau đó, OPEC đã đồng ý nâng sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!