Cuộc họp của nhóm OPEC+ không đạt được thỏa thuận về sản lượng đã dẫn tới những ảnh hưởng không nhỏ đối với giá dầu thế giới, đặc biệt tại Mỹ.
CNBC cho biết, phiên giao dịch 6/7 tại New York, giá dầu thô đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 6 năm qua sau khi cuộc họp giữa OPEC và đồng minh bị hoãn vô thời hạn. Điều này có nghĩa sản lượng sản xuất dầu của nhóm từ tháng 8 tới cuối năm không xác định. Khi sản lượng không tăng, trong khi nhu cầu hồi phục, sẽ khiến giá dầu tăng.
Bloomberg đưa nguồn tin từ giới chủ ngân hàng và dầu lửa Mỹ, các công ty sản xuất dầu đá phiến nước này, đối thủ không đội trời chung với OPEC+, đã tận dụng đợt tăng giá ban đầu để chốt tăng sản lượng trong tương lai của họ.
Khi 23 nước thuộc nhóm sản xuất dầu lớn nhất thế giới không thể đạt được thỏa thuận về giới hạn đầu ra, có nghĩa họ muốn giữ giá dầu tăng cao lên. Thế nhưng giá dầu tăng quá cao lại là kẻ thù đối với các chính sách hồi phục kinh tế của nước Mỹ.
OPEC+ không đạt được thỏa thuận về sản lượng đã dẫn tới những ảnh hưởng không nhỏ đối với giá dầu thế giới, đặc biệt tại Mỹ. (Ảnh minh họa: Reuters)
CNN giải thích, nếu nhóm này không tăng sản lượng thì giá xăng dầu tại Mỹ, vốn đang ở mức cao trong 7 năm qua, sẽ còn tăng cao hơn. Không vị tổng thống nào muốn điều đó, bởi nó sẽ làm lạm phát leo thang, ảnh hưởng tới túi tiền của người Mỹ khi đang phải đi lại nhiều hơn, giúp khôi phục kinh tế hậu COVID-19.
Vì vậy theo Bloomberg, nếu thỏa thuận tăng sản lượng không được kéo dài giữa 23 nước thuộc OPEC+, giá dầu sẽ vẫn ở quanh ngưỡng 70 USD. Đây sẽ là mức giá quá hấp dẫn với các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ. Theo JPMorgan, các hãng dầu đá phiến sẽ sẵn sàng khởi động guồng sản xuất trở lại.
Nhật báo phố Wall tiết lộ phía Mỹ trước đó đã thúc giục các nước nhanh chóng đạt được thỏa thuận để tăng sản lượng, khiến giá dầu giảm. Các quan chức Mỹ thậm chí còn làm việc với từng nước để mong nhóm đạt được giải pháp gia tăng sản lượng. Điều đó có nghĩa phía Mỹ tăng sản lượng là điều bất khả kháng để bảo vệ thành quả hồi phục kinh tế, dù Mỹ chỉ đang chiếm 20% thị phần xuất khẩu dầu lửa thế giới.
Đây là bước đi khiến nhóm OPEC+ buộc phải lựa chọn hoặc là tiếp tục không tăng sản lượng, chấp nhận giảm thị phần, nhưng có được mức giá cao hơn, hoặc tăng sản xuất, giành lại thị phần nhưng thu về được ít lợi nhuận hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!