Giới quan sát và các nhà đầu tư đều chờ đợi thông tin chi tiết về việc cắt giảm sản lượng từ OPEC+. Tuy nhiên, 5 giờ đồng hồ đầu tiên cuộc thảo luận gần như chỉ xoay quanh một vấn đề: Mexico nhất quyết từ chối thỏa thuận được đề xuất. Theo Reuters, trước đó OPEC+ yêu cầu Mexico cắt giảm 400 nghìn thùng/ngày. Nhưng Bộ trưởng Bộ Năng lượng nước này lại không đồng tình với lời kêu gọi trên.
Thế nên, phải mãi sau 10 tiếng, cuộc họp trực tuyến mới khép lại. Mặc dù Mexico vẫn nhất quyết đơn độc từ chối cắt giảm sản lượng, các nhà sản xuất dầu lớn khác đã đi đến được một thỏa thuận cắt giảm 10 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và 6 tới đây.
Theo Bloomberg, Saudi Arabia và Nga mỗi nước sẽ giới hạn mức sản lượng quanh ngưỡng 8.5 triệu thùng/ngày, với tất cả các thành viên đồng ý cắt giảm nguồn cung 23%. Tuy nhiên giới quan sát dường như không mấy hào hứng trước thông tin này.
Theo ông Bjornar Tonhaugen, Phó Chủ tịch cấp cao, Công ty năng lượng Rystad Energy: "10 triệu thùng/ngày có thể giúp thị trường trong ngắn hạn không thể lấp đầy kho nhưng đối với nhiều người đây là một nỗ lực đáng thất vọng, khi tình trạng dư thừa nguồn cung dầu quá lớn".
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ 5, hợp đồng dầu thô giao tháng 5 đều rớt giá. Từ đầu năm đến nay, giá dầu WTI đã "bốc hơi" gần 63%, còn giá dầu Brent rớt hơn 52%.
Trước đó, giá dầu WTI đã có lúc vọt tăng hơn 12% sau hàng loạt báo cáo cho rằng hai nhà sản xuất dầu hàng đầu là Saudi Arabia và Nga đang thảo luận về khả năng cắt giảm 20 triệu thùng/ngày.
Hiện OPEC+ cũng đang tìm kiếm sự cắt giảm thêm 5 triệu thùng dầu/ngày từ các nhà sản xuất bên ngoài liên minh, bao gồm Mỹ, Canada, Brazil và Na Uy. Một số nhà sản xuất này dự kiến sẽ tham gia vào các cuộc đàm phán tiếp theo vào thứ Sáu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!