Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Cao Sỹ Kiêm. Ảnh: H.M
Mới đây, Tổng Bí thư yêu cầu Ban Kinh tế Trung ương lý giải vì sao một loạt những doanh nghiệp, những cơ quan, đơn vị có vi phạm, làm ăn thua lỗ, nhiều dự án, công trình "đắp chiếu" nhưng không được phát hiện kịp thời. Ông nhận định ra sao về chỉ đạo của Tổng Bí thư?
Ông Cao Sỹ Kiêm: Tổng Bí thư đã chỉ đạo như thế tức là đã giao việc cho Ban Kinh tế Trung ương – cơ quan giúp việc cho Trung ương đề ra chính sách về kinh tế gồm luật lệ, cơ chế, thể chế, quy định cụ thể để đảm bảo cho nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển một cách tích cực.
Ban Kinh tế Trung ương phải phát hiện, đôn đốc, giám sát, xử lý các phần việc liên quan đến kinh tế và dù đã có những kết quả nhất định nhưng theo tôi chưa đáp ứng được yêu cầu. Nghị quyết Đại hội XI, XII có nêu 3 đột phá chiến lược nhưng vẫn lấy đột phá về thể chế làm ngòi nổ, làm trung tâm để giải phóng sức lao động, động lực kinh doanh.
Tổng Bí thư nhắc tới vấn đề mang tính trọng tâm để Ban Kinh tế Trung ương, ngoài việc tham mưu cho Trung ương về giải pháp, chính sách lớn để phát triển kinh tế, phải tổ chức, giảm sát thực hiện quản lý để đảm bảo quá trình thực hiện đường lối đi vào cuộc sống một cách mạnh mẽ và phải biến thành hành động cụ thể.
Là một chuyên gia kinh tế từng nhiều năm theo dõi mảng kinh tế vĩ mô, ông có thể lý giải vì sao các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) lại hoạt động kém hiệu quả trong thời gian qua? Nhiều ý kiến cho rằng, có ba yếu tố khiến DNNN hoạt động kém hiệu quả là nhân sự, môi trường pháp lý và quản lý hành chính. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Theo tôi, hoạt động không hiệu quả phải nói về mặt quản lý và đội ngũ nhân sự. Ngoài ra, trách nhiệm làm việc, sáng kiến, sáng tạo, ý thức phục vụ, chất lượng hoạt động bộ máy, đạo đức, phương pháp… là các yếu tố chưa được phát huy đầy đủ hay giám sát chặt chẽ.
Ngoài biểu hiện về mặt tổn thất kinh tế, còn về suy đồi đạo đức, phẩm chất, do lợi ích cá nhân chi phối. Như thế, về mặt số lượng và mức độ sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu không được giám sát chặt chẽ và sẽ khiến mất lòng tin của người dân.
Ông từng nhiều năm giữ cương vị quản lý trong lĩnh vực kinh tế vĩ mô, ông đánh giá ra sao về tình hình hoạt động kinh doanh của các DNNN trước đây và bây giờ?
Khi tôi làm việc ở Ban Kinh tế Trung ương, đặc biệt khi là Thống đốc Ngân hàng, đó là thời kỳ đang chuyển đổi. Trước đây, nền kinh tế gồm hai thành phần là kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể đã phát huy tích cực trong giai đoạn cụ thể. Khi Việt Nam bước vào giai đoạn kinh tế thị trường, kinh tế quốc doanh, cụ thể là các DNNN phải áp dụng cơ chế thị trường nên hiệu quả kinh tế bộc lộ nhiều hạn chế ở một số lĩnh vực, một số đối tượng cụ thể. Nhịp độ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, tính hiệu quả vì thế cũng có phần hạn chế hơn, đặc biệt khi so sánh với kinh tế tư nhân khi DN nhỏ và vừa đang phát triển mạnh mẽ. Nhiều cơ chế áp dụng chưa được chuyển đổi hoàn chỉnh với hình thức mới.
Ngày trước, anh em làm việc còn chưa có hiểu biết nhiều, chưa có kinh nghiệm, nên vấp váp. Thời tôi còn đương nhiệm (làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VIệt Nam – PV), có tồn tại vấn đề nợ quá hạn, rồi sử dụng vốn không hiệu quả cũng vì anh em thiếu kinh nghiệm.
Hiện nay, khi hội nhập đã sâu rộng hơn, cán bộ đã có nhiều kinh nghiệm, nhưng vẫn có nơi làm ăn thiếu hiệu quả sử dụng vốn nhà nước là do bố trí cán bộ, quản lý cán bộ, thiếu nghiêm minh, thiếu hiệu quả tại các DNNN. Sai lầm hiện nay ở dạng chủ quan nhiều hơn, bị chi phối bởi cá nhân, lợi ích nhóm.
Đáng nói, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh tế tư nhân đã có nhiều biến chuyển nghĩa nhanh hơn so với kinh tế quốc doanh để phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ. Trong khi đó, cách làm ăn của các thành phần kinh tế quốc doanh bị ràng buộc, động lực bị hạn chế biểu hiện chủ yếu ở thể chế, cơ chế.
Vậy theo ông, các tập đoàn, tổng công ty vốn nhà nước đang nắm giữ vai trò gì hiện nay. Nếu hoạt động kém hiệu quả, một số DNNN liệu có bị thu hẹp, giải thể hay vẫn sẽ được duy trì, tồn tại?
Đất nước nào cũng vậy, và dù ở thể thế nào thì vai trò của DNNN vẫn luôn đóng vai trò quan trọng, vai trò gánh vác. Ví dụ những lĩnh vực như như sản xuất về quốc phòng, an ninh, điện, nước, phúc lợi xã hội… liên quan sâu rộng đến đời sống dân sinh thì hầu hết DN cá nhân không muốn đầu tư. Vì thế, Nhà nước đôi khi phải chấp nhận thiệt hại kinh tế dù biết hiệu quả thấp khi đầu tư, nhưng tất nhiên phải có phạm vi giới hạn, mức độ quy định cụ thể.
Cụ thể như việc đánh bắt xa bờ kết hợp an ninh quốc phòng; hạ tầng cơ sở cần vốn dài hạn, chi phí cao nhưng cần phải đầu tư để phục vụ xã hội; đầu tư đường điện lên miền núi, hải đảo; đảm bảo sức khỏe y tế cho toàn dân... Tất cả được chọn lựa, cân nhắc nhưng DNNN phải đảm nhận thì tiếp tục, còn những lĩnh vực DN vừa và nhỏ có thể làm được thì phải khuyến khích.
Nhà nước phải đảm bảo bình đẳng, hoạt động kinh doanh tuân theo pháp luật. Tổ chức nào hoạt động yếu kém, sau khi đã có biện pháp giúp đỡ nhưng vẫn không hiệu quả phải thu hẹp, thậm chí giải thể, cho phá sản. Không thể tồn tại vô lối để kéo nền kinh tế đi xuống, xã hội tụt lùi, giảm khả năng cạnh tranh với quốc tế.
Trước tình hình hoạt động kinh doanh kém hiệu quả của một số DNNN như hiện nay, theo ông, giải pháp của vấn đề này là gì?
Về đường lối, giải pháp đều được thống nhất và thông qua. Theo cá nhân tôi, cần phải thực hiện triệt để, cơ cấu lại các thành phần, nhất là các thành phần không phát huy hiệu quả.
Cùng với đó, phải sửa đổi mạnh mẽ luật lệ, cơ chế, điều kiện để các DN hoạt động theo hướng kinh tế thị trường định hướng XHCN, theo hướng khai thác tốt động lực phát triển, điều kiện làm việc, năng suất lao động như Chính phủ đang làm như cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ cao…
Ngoài ra, cần sàng lọc, bố trí, nêu rõ tiêu chuẩn, tiêu chí về năng lực phục vụ, đội ngũ ở các DNNN. Nâng cao trình độ, trách nhiệm làm việc, chống "tự diễn biến, tự chuyển hóa", chống lợi ích cá nhân; xử lý nghiêm các cán bộ không làm đúng
Cuối cùng, vừa xử lý sai phạm vừa nâng đỡ tài năng nhân sự, phát huy ý tưởng, sáng tạo mới, tạo động lực nâng cao năng suất lao động. Theo đó, vừa cơ động nhưng mang lại hiệu quả trong tình hình mới khi Việt Nam vẫn ở vị trí khiêm tốn trong khu vực và thế giới.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi.
Ông Cao Sỹ Kiêm có bằng Tiến sĩ kinh tế, từng kinh qua nhiều vị trí quan trọng như Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương...
Ông là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VII và VIII (1991-2001),Năm 2007, ông được bầu làm Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XII.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!