Không đồng thuận với phán quyết của DOC, đại diện Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng - đơn vị chịu mức thuế cao nhất cho biết, việc DOC chọn Indonesia làm quốc gia thay thế để tính thuế lần này là không phù hợp bởi nền kinh tế của quốc gia này không tương đồng với Việt Nam. Cụ thể, chỉ số kinh tế xác định tổng thu nhập của Indonesia cao gấp đôi và GDP cao gấp 4 lần Việt Nam.
Ông Trần Văn Phẩm, Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng: “DOC đưa ra mức thuế chống bán phá giá ngày càng ngặt nghèo và tôi cho là bất hợp lý, cần được chỉnh sửa lại. Nếu mức thuế này không được cải thiện sẽ rất bất lợi cho con tôm Việt Nam đi vào thị trường Mỹ”.
Thực tế vài tuần trở lại đây, giá tôm nguyên liệu ở các tỉnh, thành như: Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu…bắt đầu giảm từ 15.000-20.000/kg tùy loại. Nông dân trong vùng hết sức lo lắng, bởi sau những lần DOC công bố mức thuế chống bán giá phá, doanh nghiệp gặp khó thì thị trường tôm luôn có những biến động xấu.
Bà Nguyễn Thị Ửng, Xã Bình Thới, Bình Đại, Bến Tre: “Ai cũng đầu tư nuôi dồn hết tài sản cho ao tôm, nên nghe thông tin này bà con rất lo lắng”.
Chỉ trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm của nước ta sang Mỹ đạt trên 694 triệu USD, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm 2013. Hiện Mỹ là một trong những thị trường lớn nhập khẩu thủy sản của Việt Nam, chiếm hơn 22% thị phần. Do đó, không sớm tháo gỡ được những rào cản kỹ thuật mà thị trường này đặt ra sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong tương lai.