Phản ứng thị trường Trung Quốc sau kế hoạch kích thích kinh tế mới
Thông tin đáng chú ý nhất với thị trường khu vực châu Á cuối tuần qua, đó chính là kế hoạch kích thích kinh tế mới nhất cho năm 2025 vừa được giới chức Trung Quốc đưa ra. Đây được xem là một bước đi tiếp theo giúp đưa nền kinh tế số hai thế giới vượt qua giai đoạn thách thức hiện nay và quay lại với đà tăng trưởng tích cực trong các năm tiếp theo.
Trong bản kế hoạch tham vọng này, giới chức Trung Quốc đã đưa ra một số cam kết, đó là chuyển hướng chính sách tiền tệ sang "nới lỏng vừa phải" cho phép cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và lãi suất để bơm thanh khoản vào nền kinh tế, tăng thâm hụt ngân sách và phát hành trái phiếu để tài trợ vốn cho các chính quyền địa phương, cũng như tập trung hơn vào việc thúc đẩy nhu cầu nội địa, giúp nền kinh tế số hai thế giới vượt qua những thách thức hiện nay và trở lại đà tăng trưởng ổn định của mình.
Dù vậy, phản ứng ban đầu của giới đầu tư tại thị trường Trung Quốc khá thận trọng. Chỉ số tổng hợp của thị trường Đại lục CSI 300 đã sụt giảm khoảng 2,3% trong phiên giao dịch kết thúc tuần vừa qua. Các sàn chính tại quốc gia này như Thượng Hải và Thâm Quyến cũng đồng loạt đi xuống trên 2% giá trị.
Trong khi đó, đồng NDT có thời điểm giảm xuống chạm mức 7,29 NDT/USD, trước khi ổn định trở lại, nhưng vẫn thấp hơn khoảng 0,1% so với thời điểm bắt đầu phiên giao dịch cuối tuần qua.
Việc chuyển hướng chính sách sang nới lỏng từ từ, được cho là sẽ có tác động nhất định với tỷ giá đồng NDT- Ảnh: AFP
Giới chuyên gia kỳ vọng gì từ gói kích thích của Trung Quốc?
Dường như kế hoạch kích thích kinh tế mới chưa thể tạo ra một sự phấn khởi với các nhà đầu tư. Vậy còn giới chuyên gia đang nhìn nhận gì về triển vọng từ các gói kích thích có thể được đưa ra trong năm sau của Trung Quốc?
Trong các tuyên bố được đưa ra, các biện pháp kích thích tài khóa như đầu tư công hay kích cầu tiêu dùng nội địa vẫn chưa được đưa ra một cách cụ thể. Dù vậy, đây là những lĩnh vực được giới chức Trung Quốc cam kết sẽ có những động thái mạnh mẽ để thúc đẩy đà phục hồi kinh tế.
Ông Sheng Qiuping - Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc cho biết: “Các loại hình tiêu dùng mới sẽ giúp tạo ra tâm lý hứng khởi cho người tiêu dùng. Chúng tôi sẽ có những chính sách phù hợp để hướng dẫn các hoạt động kinh tế kiểu mới, chẳng hạn như đẩy mạnh kinh tế và tiêu dùng số, tích hợp AI sâu vào các hình thức tiêu dùng”.
Dù có những sự lạc quan nhất định, theo các chuyên gia, vẫn còn một chặng đường dài để đánh giá kế hoạch mới có thể mang lại hiệu quả đột phá hay không, sau khi các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế Trung Quốc năm nay chưa tạo ra cú hích lớn như kỳ vọng ban đầu.
Ông Suan Teck Kin - Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB nhận định: “Trong năm nay, Trung Quốc đã có gói hỗ trợ 10.000 tỷ NDT, nhưng đây mới chỉ tương đương 8% GDP và chủ yếu là các biện pháp giãn nợ hay tái cơ cấu nợ. Để so sánh, gói 4.000 tỷ NDT hồi năm 2008 tương đương hơn 12% GDP thời điểm đó và được rót trực tiếp cho chi tiêu công hay kích cầu. Hiện chưa thể biết liệu các biện pháp trong năm tới có tương đồng với gói kích thích 2008 hay không”.
Về mặt tiền tệ, việc chuyển hướng chính sách sang nới lỏng từ từ, được cho là sẽ có tác động nhất định với tỷ giá đồng NDT, trong bối cảnh đà tăng giá của đồng bạc xanh vẫn đang tiếp diễn.
Ông Suan Teck Kin - Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB chia sẻ: “Chúng tôi dự đoán rằng, USD có thể lên giá khoảng 4-5% so với NDT trong năm sau, tức là tương đương khoảng 7,6 NDT/USD, nếu các mức thuế quan được đưa ra, cùng với việc nới lỏng tiền tệ được thực hiện”.
Trong khi hiệu quả còn chờ vào tình hình thực tế, chính sách tiền tệ nới lỏng và đồng nội tệ giảm giá được cho là sẽ góp phần giúp giới chức Trung Quốc đẩy lùi rủi ro giảm phát, cũng như thúc đẩy xuất khẩu dưới các lo ngại thuế quan từ Mỹ trong năm tới.
Theo thông tin mới của Reuters, giới chức Trung Quốc cũng đang cân nhắc các điều chỉnh với tỷ giá đồng NDT thời gian tới, đi cùng với đó là việc thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, nhằm tạo thêm lực đẩy cho nền kinh tế số hai thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!