Chính phủ Pháp sẽ kéo dài biện pháp hạn chế tăng giá điện ở mức 4% và đóng băng giá khí đốt cho đến tháng 10/2022. Mức hỗ trợ 18 cent cho mỗi lít nhiên liệu cũng sẽ được duy trì cho đến tháng 9, sau đó giảm dần qua từng tháng trước khi bãi bỏ hoàn toàn vào tháng 12/2022.
Ngoài ra, các hộ gia đình có thu nhập thấp sẽ được hỗ trợ 100 Euro tiền mua thực phẩm, 100 Euro tiền chuẩn bị cho năm học mới... cùng mức phụ cấp 50 Euro cho mỗi trẻ em; tiền thuê nhà bị giới hạn tăng không quá 3,5% cho đến tháng 10/2023.
Theo dự kiến, gói biện pháp này cần được Quốc hội Pháp thông qua vào ngày 18/7 tới mới chính thức có hiệu lực.
Đánh giá mới nhất của Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế Pháp (INSEE) cho biết lạm phát đang đè nặng lên đời sống người dân với mức tăng đặc biệt của giá năng lượng và thực phẩm.
Theo báo cáo của INSEE, trong tháng 6, lạm phát đã tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức cao nhất kể từ những năm 1980. Cụ thể, lạm phát tăng là do "giá năng lượng và thực phẩm tăng nhanh", báo cáo nêu rõ.
Chỉ trong vòng một năm, do sự bùng nổ giá xăng dầu, giá năng lượng đã tăng mạnh nhất trong nhiều thập kỷ qua, là 33,1%. Giá thực phẩm cũng leo thang với mức tăng 5,7% trong một năm, mức cao nhất kể từ tháng 7/2008. Thậm chí giá các sản phẩm tươi sống đã tăng 6,2%.
Tương tự, các sản phẩm chế tạo tăng 2,6% trong vòng một năm, tốc độ chậm hơn một chút so với trong tháng 5 do doanh số bán hàng đã giảm. Tuy nhiên, tốc độ tăng hiện tại vẫn ở mức cao nhất kể từ năm 1992.
Cuối cùng, lạm phát cũng ảnh hưởng đến giá dịch vụ, tuy chậm, nhưng vẫn ở mức 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái và cao nhất kể từ cuối năm 2002. Chiến tranh và dịch bệnh vẫn là hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tăng giá thực phẩm, hàng hóa, dịch vụ và đặc biệt là năng lượng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!