Tuần hoàn trong nông nghiệp được hiểu là phụ phẩm, đầu ra của khâu sản xuất này được sử dụng để làm đầu vào của khâu sản xuất khác, từ đó hạn chế tối đa việc phát thải ra môi trường. Có một thực tế là đồng bằng sông Cửu Long có đến 80% phụ phẩm nông nghiệp chưa được sử dụng phải đốt bỏ, cày vùi, rất lãng phí. Trong khi đó, ngành chế biến phụ phẩm có tiềm năng và giá trị cao.
Một doanh nghiệp sản xuất dầu gạo đã mua hàng chục nghìn tấn cám nguyên liệu để sản xuất. Dầu chất lượng thấp được xem là phụ phẩm được đăng bán trên sàn thương mại điện tử cho các bên cần mua. Nguyên liệu này lại được đơn vị khác sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho khâu sản xuất, nhờ đó tiết kiệm chi phí mà phụ phẩm lại không bị bỏ đi.
Ông Phạm Phú Cường - Giám đốc Công ty TNHH Dầu gạo Thuận Cường - cho biết: "Hiệu quả là chúng ta kết nối được chuỗi liên kết là đầu vào ổn định, đầu ra chúng ta cũng không cần phải đi tìm khách hàng. Chuỗi sẽ hoạt động tuần hoàn tốt hơn".
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, chuyển đổi ngành lúa gạo theo mô hình kinh tế tuần hoàn là yêu cầu cấp bách. Tại hội nghị về lĩnh vực này, các chuyên gia đã cung cấp cái nhìn tổng quan về sản xuất lúa gạo tại đồng bằng sông Cửu Long, triển vọng sử dụng phụ phẩm nguyên liệu và các mô hình kinh tế tuần hoàn từ rơm rạ, trấu và cám.
Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế - IRRI đã có 60 năm hợp tác với Việt Nam trên lĩnh vực lúa gạo đã nhấn mạnh vai trò của hệ thống canh tác tuần hoàn. Điều này không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn hạn chế tác động của biến đổi khí hậu. Sự hợp tác và cam kết của tất cả các bên liên quan sẽ xây dựng một tương lai bền vững cho ngành lúa gạo.
Tiến sĩ Yvonne Pinto - Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế - cho rằng: "Kinh tế tuần hoàn từ lúa gạo giúp giảm phát thải và đóng góp vào sự tăng trưởng xanh của quốc gia. Ngoài làm phân rơm, thức ăn cho gia súc thì chúng ta còn có thể tìm kiếm những sự thay thế khác, ví dụ như than sinh học Biochar cho năng lượng sinh học".
Đề án 1 triệu ha lúa mà Bộ Nông nghiệp đang triển khai tại đồng bằng sông Cửu Long là cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong toàn bộ chuỗi giá trị. Với quy trình canh tác này sẽ mang toàn bộ rơm ra khỏi đồng, giảm giống, giảm phân thuốc sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính một cách bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!