Phát triển nhà ở xã hội: Cân nhắc mở rộng đối tượng và linh hoạt chính sách

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 09/09/2023 06:05 GMT+7

VTV.vn - Nhiều ý kiến cho rằng, việc nới thêm đối tượng được thuê, mua nhà ở xã hội là cần thiết. Ngoài ra, thủ tục pháp lý, tiếp cận vốn ưu đãi cũng cần được đẩy nhanh hơn nữa.

Đề xuất Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây nhà ở xã hội

Vừa qua, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan đã tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Trong rất nhiều vấn đề thì các chính sách, điều kiện mua nhà ở xã hội được người dân quan tâm.

Đặc biệt, dự thảo luật có đề xuất, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau xung quanh đề xuất quy định này.

Dự án nhà ở cho công nhân nằm trong khu công nghiệp Đồng Văn 2, tỉnh Hà Nam, được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thí điểm đầu tư xây dựng từ năm 2017. Dự án có quy mô 244 căn, đến nay công nhân đã vào thuê 100%.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết: "So với các chủ đầu tư khác, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có lợi thế về điều tra, khảo sát, nắm bắt nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân do có hệ thống công đoàn từ cấp trung ương đến cơ sở. Điều này sẽ giúp ích trong việc đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng địa bàn đang có nhu cầu, đang thiếu nhà ở xã hội".

Phát triển nhà ở xã hội: Cân nhắc mở rộng đối tượng và linh hoạt chính sách - Ảnh 1.

Đề xuất thí điểm cho Tổng Liên đoàn lao động được xây nhà ở xã hội. Ảnh minh họa.

Mặc dù, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan bảo vệ quyền lợi cho người lao động, nhưng nhiều ý kiến cho rằng không nhất thiết phải quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia đầu tư. Bởi nhu cầu nhà lưu trú cho công nhân lớn, vốn đầu tư lớn nhưng thời gian thu hồi vốn dài, nên cần bổ sung đánh giá về nguồn lực đầu tư và khả năng thu hồi vốn.

"Về nguồn tài chính công đoàn, tài chính công đoàn là nguồn độc lập, chính là kinh phí do doanh nghiệp, đơn vị đóng là 2% và 1% của đoàn viên. Như vậy, nguồn này phải đánh giá tính bền vững và thực hiện quy định về đảm bảo thu chi", bà Huỳnh Thị Phúc - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay đã có 36 tỉnh, thành phố giới thiệu quỹ đất cho Tổng Liên đoàn để thực hiện mô hình này.

Sửa đổi những điểm nghẽn pháp lý đầu tư nhà ở xã hội

Bên cạnh đó, quy định pháp luật cũng là điều mà nhiều chuyên gia cũng như chính Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam băn khoăn. Trên thực tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội, không có chức năng kinh doanh. Do vậy, quá trình thí điểm dự án tại Hà Nam còn vướng mắc một số luật khác, cần phải tháo gỡ.

Ông Lê Văn Nghĩa - Trưởng ban Ban Quản lý dự án thiết chế Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: "Điều 55 Luật Đất đai không có nội dung giao đất cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để xây dựng nhà ở cho công nhân thuê. Trong Luật Nhà ở, chủ thể đầu tư nhà ở xã hội cũng không có Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ngoài ra, đơn vị này không có chức năng nhiệm vụ về kí kết hợp đồng cho thuê, bán nhà ở theo Luật Kinh doanh bất động sản".

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội đề xuất: "Trong Dự thảo Luật Nhà ở nên bổ sung thêm quy định Tổng liên đoàn lao động sẽ tham gia đầu tư, góp vốn để tạo lập nhà ở xã hội, thông qua một doanh nghiệp, hoặc một đơn vị trực thuộc, được thành lập có chức năng đầu tư kinh doanh".

Đề xuất nới lỏng điều kiện mua nhà ở xã hội

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và người dân cũng quan tâm tới việc nới lỏng các điều kiện được mua vì nhà ở xã hội có mức giá rẻ hơn nhiều so với nhà ở thương mại cùng vị trí. Do đó, một số điều kiện quy định về đối tượng được mua nhà ở xã hội đã được cho là không còn phù hợp sau 8 năm Luật Nhà ở được thực thi.

Ghi nhận trên thị trường cho thấy, hiện nay có một nghịch lý đang diễn ra đó là trong khi tại các thành phố lớn như Hà Nội, căn hộ nhà ở xã hội làm tới đâu bán hết tới đó thì tại một số dự án ở các tỉnh, số lượng người mua khá hạn chế, khiến nhiều dự án chưa đủ số lượng đăng ký.

Phát triển nhà ở xã hội: Cân nhắc mở rộng đối tượng và linh hoạt chính sách - Ảnh 2.

Đại diện các hiệp hội bất động sản cho rằng, đã đến lúc cần điều chỉnh và phân cấp lại đối tượng mua nhà ở xã hội. Ảnh minh họa.

Một dự án nhà ở xã hội tại Bắc Giang, địa phương đang phát triển mạnh các khu công nghiệp, nhu cầu nhà ở rất lớn. Hơn 2.000 căn hộ đủ điều kiện bán ra thị trường. Nhưng điều đáng nói là chỉ có 10% số căn hộ đã bán được. Còn lại 90% chưa thể bán được do người mua không đáp ứng đủ các điều kiện.

Ông Vương Tuấn Nghĩa - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang cho biết: "Doanh nghiệp không được mua số lượng lớn căn hộ cho người lao động họ ở. Thứ hai là có điều kiện không được sở hữu nhà ở đất ở trên địa bàn. Thực ra nhiều đối tượng sở hữu cùng bố mẹ, hoặc ở xa, muốn về định cư tại đô thị, tại khu công nghiệp lại không được mua".

Có kinh nghiệm xây nhiều dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội, đại diện Công ty Cổ phần đầu tư Xây dựng NHS cho biết, một số điều kiện cho người dân mua nhà xã hội đã không còn phù hợp. Bởi giá nhà xã hội đã tăng gần gấp đôi sau 5 năm, song cách xác định thu nhập thấp - điều kiện quan trọng để được mua nhà - vẫn như 8 năm trước.

Cụ thể, điều kiện để là "người thu nhập thấp" ở các thành phố lớn là thu nhập thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân, tức không quá 11 triệu đồng một tháng. Trong khi nhiều gia đình vượt mức này. Ví dụ khoảng 15 - 20 triệu đồng/tháng mới đủ chi tiêu và trả gốc lãi cho ngân hàng. Vậy nên không ít khách hàng rơi vào cảnh không phải là thu nhập thấp nên không được mua nhà, nhưng nếu là thu nhập thấp thì không thể vay tiền ngân hàng.

Đại diện các hiệp hội bất động sản cho rằng, đã đến lúc cần điều chỉnh và phân cấp lại đối tượng mua nhà ở xã hội. Có thể nới một số điều kiện để người có nhu cầu tiếp cận nhà ở xã hội dễ dàng hơn, tránh tình trạng tiêu cực chạy vạy "làm đẹp" hồ sơ để đủ điều kiện mua nhà - một thực trạng thường tiếp diễn mỗi khi có dự án nhà ở xã hội có vị trí đẹp sắp ra hàng.

Dự kiến, Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6, diễn ra vào tháng 10 tới. Bên cạnh các cơ chế khuyến khích như miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, việc nới thêm đối tượng được thuê, mua nhà ở xã hội là cần thiết. Ngoài ra, thủ tục pháp lý, tiếp cận vốn ưu đãi cũng cần được đẩy nhanh hơn nữa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước