Phát triển quy chuẩn để khơi thông nguồn vốn xanh

Chu Linh-Thứ năm, ngày 30/03/2023 16:18 GMT+7

VTV.vn - Dù mức lãi suất cho nguồn vốn tín dụng xanh khá hấp dẫn, nhưng hiện nay để tiếp cận được các nguồn vốn xanh thì không phải là dễ đối với các doanh nghiệp.

Nhà máy xử lý rác thải của Công ty CP Môi trường công nghệ cao Hoà Bình là một trong những dự án xanh mới nhất vừa được thông qua. Được biết, dự án được phê duyệt gói hạn mức tín dụng 100 tỷ đồng, với mức lãi suất ưu đãi giảm từ 0,5 đến 1% nhưng vay vốn xanh không hề đơn giản.

Phát triển quy chuẩn để khơi thông nguồn vốn xanh - Ảnh 1.

Nhà máy xử lý rác thải của Công ty CP Môi trường công nghệ cao Hoà Bình

"Lĩnh vực ‘xanh’ hiện đang được Chính phủ và xã hội rất quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xanh nói chung đang phải đối mặt những khó khăn như cơ chế ưu đãi chưa rõ ràng, chi phí đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài, rủi ro thị trường cao, dễ phát sinh chi phí đầu tư", ông Nguyễn Quốc Viện, Phó Tổng giám đốc Công ty Môi trường công nghệ cao Hoà Bình, cho biết.

Được biết, hành lang pháp lý vẫn đang là trở ngại đối với các doanh nghiệp khi muốn tiếp cận dòng vốn xanh, vì chưa có bộ quy định tiêu chí cụ thể.

Bà Lâm Thuý Nga, Giám đốc Toàn khối Khối Khách hàng Doanh nghiệp Lớn, Ngân hàng TNHH HSBC chia sẻ: "Hành lang pháp lý chưa cụ thể khiến nhiều doanh nghiệp e ngại khi tiến hành các khoản tín dụng xanh cũng như trái phiếu xanh. Chính phủ nên ban hành các chính sách để có thể đơn giản hoá cho các NH cũng như các doanh nghiệp khi áp dụng các khoản vay xanh, đồng thời cũng có hành lang pháp lý minh bạch để các doanh nghiệp có chiến lược và định hướng đầu tư rõ ràng trong tương lai".

Một bộ quy chuẩn điều kiện xanh với những tiêu chí cụ thể sẽ hoạt động như kim chỉ nam để hướng dẫn các ngân hàng trong nước và quốc tế để thúc đẩy tín dụng xanh hiệu quả hơn. Việt Nam có thể tham khảo từ các nước phát triển để thiết kế bộ quy chuẩn phù hợp dựa trên nhiều yếu tố.

Phát triển quy chuẩn để khơi thông nguồn vốn xanh - Ảnh 2.

Bà Michele Wee, Tổng giám đốc ngân hàng Standard Chartered Việt Nam

"Chúng ta cần có những tiêu chí đánh giá cụ thể thì mới có thể cung cấp nguồn vốn xanh và sử dụng đúng mục đích. Nếu chúng ta có khung quản lý được tiêu chuẩn hoá, thậm chí có thể bao gồm cả báo cáo Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) của các doanh nghiệp được công khai, sẽ mang lại định nghĩa rõ ràng hơn về dự án xanh. Như vậy các ngân hàng có mô hình như chúng tôi có thể tiếp tục góp phần hỗ trợ chính phủ Việt Nam thúc đẩy kinh tế xanh", bà Michele Wee, Tổng giám đốc ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, cho biết.

Phát triển quy chuẩn để khơi thông nguồn vốn xanh - Ảnh 3.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng ADB tại Việt Nam

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng ADB tại Việt Nam cũng chia sẻ: "Ở ASEAN, họ cũng có một sự hợp tác nhất định vì hệ thống phân loại giữa các nước sẽ có hiệu quả hơn nếu chúng giống nhau, giúp nhà đầu tư có thể đầu tư dễ dàng hơn giữa các nước với nhau nếu các tiêu chí tương đồng. ASEAN đang làm việc với tất cả thành viên của tổ chức để hình thành một hệ thống phân loại. Hệ thống phân loại này có thể là theo tính chất riêng của từng dự án là chúng có những tác động xanh nào hoặc là ở cấp độ từng doanh nghiệp có nguồn quỹ để giúp xanh hoá hoạt động của họ. Có nhiều cách áp dụng khác nhau nhưng có một hệ thống phân loại được công bố rõ ràng là bước cấp thiết đầu tiên".

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư số 17, sẽ được áp dụng từ tháng 6 năm nay, nhằm hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng, được cho là điểm mấu chốt để khơi thông dòng vốn xanh. Chưa kể tới dự thảo liên quan tới danh mục ‘dự án xanh’ cũng đang được xây dựng nữa, đều đang góp phần hoàn thiện khái niệm, tiêu chí, và hành lang pháp lý cho 1 dự án xanh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước