Theo ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Hiệp hội Ngân hàng, tín dụng xanh, tín dụng xanh là một yếu tố, biểu hiện của tài chính bền vững và nhằm để hướng tới sự bền vững nói chung.
"Tính chất xanh chúng ta hiểu là các dự án không gây rui ro đến môi trường hoặc để bảo vệ môi trường nhằm góp phần bảo vệ hệ sinh thái nói chung", ông Sơn nói thêm.
Theo Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước, giai đoạn 2017 - 2021, dư nợ cấp tín dụng xanh có tăng trưởng bình quân đạt hơn 25% một năm. Đến ngày 30/6/2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 500.000 tỷ đồng, chiếm 4,2 % tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Không chỉ các dòng vốn nội, mà ngay cả các dòng vốn ngoại cũng đang ngày càng quan tâm tới tín dụng xanh. Ảnh minh họa.
Các tổ chức tín dụng Việt Nam hiện nay rất quan tâm đến tín dung xanh, ngân hàng xanh và phát triển bền vững. Dư nợ tín dụng xanh tập trung vào hai lĩnh vực chính nông nghiệp xanh và năng lượng tái tạo.
Không chỉ các dòng vốn nội, mà ngay cả các dòng vốn ngoại cũng đang ngày càng quan tâm tới tín dụng xanh, khẳng định đây thực sự là xu hướng mới. Hiện đã 21 tổ chức tài chính và quỹ đầu tư nước ngoài đã rót vốn cho các dự án xanh của Việt Nam. Trong 2 năm qua, số tiền giải ngân cũng tăng gấp 6 lần so với các giai đoạn trước.
Mức lãi suất ưu đãi dành cho các dự án xanh đã phù hợp?
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, lãi suất thông thường dành cho các dự án xanh ngắn hạn là 6 - 9%, đối với các dự án trung dài hạn là 9 - 11%. "Điều đó thể hiện rằng những lãi suất đó chưa phải là ưu đãi. Nó ngang như lãi suất các khoản cho vay thương mại bình thường", ông Sơn nhận xét.
Cũng theo ông Sơn, các cơ chế chính sách, cũng như các nguồn vốn hiện nay để hỗ trợ ưu đãi cho các dự án xanh còn đang thiếu.
Ông Nguyễn Quốc Viện - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Môi trường công nghệ cao Hoà Bình cũng cho rằng: "Lĩnh vực xanh hiện đang được Chính phủ và xã hội rất quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xanh nói chung đang phải đối mặt những khó khăn như cơ chế ưu đãi chưa rõ ràng, chi phí đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài, rủi ro thị trường cao, dễ phát sinh chi phí đầu tư…".
Được biết, hành lang pháp lý vẫn đang là trở ngại đối với các doanh nghiệp khi muốn tiếp cận dòng vốn xanh vì chưa có bộ quy định cụ thể thế nào là một dự án xanh và không xanh.
"Hành lang pháp lý chưa cụ thể khiến nhiều doanh nghiệp e ngại khi tiến hành các khoản tín dụng xanh cũng như trái phiếu xanh", bà Lâm Thúy Nga - bà Lâm Thúy Nga - Giám đốc Toàn quốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp lớn, Ngân hàng HSBC cho biết.
Lãi suất thông thường dành cho các dự án xanh ngắn hạn là 6 - 9%, đối với các dự án trung dài hạn là 9 - 11%. Ảnh minh họa.
Một bộ quy chuẩn điều kiện xanh với những tiêu chí cụ thể sẽ hoạt động như kim chỉ nam để hướng dẫn các ngân hàng trong nước và quốc tế đẩy tín dụng xanh hiệu quả hơn. Việt Nam có thể tham khảo từ các nước phát triển để có thể bộ quy chuẩn phù hợp dựa trên nhiều yếu tố.
"Nếu chúng ta có khung quản lý được tiêu chuẩn hoá, thậm chí có thể bao gồm cả báo cáo Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) của các doanh nghiệp được công khai, sẽ mang lại định nghĩa rõ ràng hơn về dự án xanh. Như vậy, các ngân hàng có mô hình như chúng tôi có thể tiếp tục góp phần hỗ trợ chính phủ Việt Nam thúc đẩy kinh tế xanh", bà Michele Wee - Tổng giám đốc ngân hàng Standard Chartered Việt Nam khuyến nghị.
Ông Andrew Jefferies - Giám đốc Quốc gia ngân hàng ADB tại Việt Nam cho biết: "ASEAN đang làm việc với tất cả thành viên của tổ chức để hình thành một hệ thống phân loại. Hệ thống phân loại này có thể là theo tính chất riêng của từng dự án là chúng có những tác động xanh nào hoặc là ở cấp độ từng doanh nghiệp có nguồn quỹ để giúp xanh hoá hoạt động của họ. Có nhiều cách áp dụng khác nhau nhưng có một hệ thống phân loại được công bố rõ ràng là bước cấp thiết đầu tiên".
Như vậy, có thể thấy hiện vẫn chưa có quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành và lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế, làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh. Vì thế, mỗi ngân hàng lại có thể áp dụng một quy định riêng.
Tuy nhiên, mới đây Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư số 17, sẽ được áp dụng từ tháng 6 năm nay, nhằm hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng. Đây được cho là điểm mấu chốt để khơi thông dòng vốn xanh. Ngoài ra, dự thảo liên quan tới danh mục "dự án xanh" cũng đang được xây dựng nữa, góp phần hoàn thiện khái niệm, tiêu chí và hành lang pháp lý cho dự án xanh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!