Phó Chủ tịch WB: “Kinh tế khu vực Đông Á sẽ là đầu tàu”

Quỳnh Anh-Thứ năm, ngày 09/05/2013 11:23 GMT+7

Ông Axel Van Trotsenburg, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Ảnh: VnE

 Kinh tế Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng 5,2% trong năm 2013 và khu vực Đông Á sẽ là đầu tàu dẫn dắt kinh tế thế giới trong năm nay. Đó là nhận định của ông Axel Van Trotsenburg, Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Ngân hàng thế giới WB.

Ông cũng nhận định, khu vực này sẽ là trung tâm tài chính thế giới trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, ông Axel cũng trao đổi về diễn biến khủng hoảng tài chính ở châu Âu và những ảnh hưởng của nó tới Việt Nam.

Kinh tế Mỹ đã có nhiều tín hiệu tích cực hơn, tuy nhiên tình hình ở châu Âu và Trung Quốc lại không mấy sáng sủa. Ông nhận định điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến kinh tế khu vực châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng trong năm nay?.

Ông Axel Van Trotsenburg: Thế giới vẫn đang phải chống chọi với khủng hoảng tài chính, vì vậy mọi nền kinh tế đều gặp nhiều khó khăn, thách thức. Chúng tôi dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ ở mức 5,2% trong năm nay. Đáng chú ý, kinh tế khu vực Đông Á sẽ là nơi phát triển mạnh nhất trên thế giới, khu vực này chiếm tới 40% tốc độ tăng trưởng của thế giới. Dẫn đầu vẫn là kinh tế Trung Quốc, mặc dù có các dấu hiệu chậm lại nhưng chúng tôi nhận định rằng, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng ở mức cao hơn trong năm 2013. Và các bạn sẽ thấy, vị trí trung tâm tài chính thế giới đang và sẽ di chuyển sang khu vực này.

Trong thời gian qua, châu Âu có vẻ chìm sâu trong khủng hoảng hơn khi nhiều cái tên được nhắc đến là nạn nhân tiếp theo cần cứu trợ, liệu có xảy ra việc một số quốc gia buộc phải rời khỏi khối EU hay không?.

Ông Axel Van Trotsenburg: Tôi không cho là vậy. Khối châu Âu đã giảm nợ công ở mức đáng kể, họ cũng đã tiến hành việc tái cơ cấu hệ thống tài chính, ngân hàng và xây dựng hệ thống hỗ trợ tài chính cho các quốc gia gặp khó khăn. Tôi nghĩ không nên quá lo lắng về tình hình ở châu Âu, nó chỉ mất thời gian hơn so với chúng ta mong đợi. Bản thân tôi mang hai quốc tịch châu Âu nên sống ở đó, tôi tin tưởng rằng mọi khó khăn rồi cũng sẽ qua.

Một số chuyên gia cho rằng, châu Âu sai lầm khi cắt giảm ngân sách khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, thay vì đó nên tập trung tạo công ăn việc làm để thúc đẩy nền kinh tế thì mới thoát khỏi khủng hoảng, ý kiến của ông về việc này thế nào?

Ông Axel Van Trotsenburg: Vâng, đang có nhiều cuộc tranh luận diễn ra ở châu Âu về phương pháp tốt nhất để có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng này. Khối kinh tế khu vực châu Âu lớn nhất thế giới nên theo ý kiến của tôi, có tranh luận là tốt, vì có tranh luận thì mới tìm ra phương án giải quyết tốt nhất. Nhưng là một khối liên minh gồm 17 quốc gia, mỗi quốc gia có mong muốn khác nhau, mỗi quốc gia lại mong muốn giải pháp khác nhau… nhiều ý kiến khác nhau, không như ở Mỹ, Chính phủ Mỹ linh hoạt hơn trong việc thay đổi chính sách. Chính vì vậy, có vẻ châu Âu chậm trễ và lúng túng hơn trong việc giải quyết khủng hoảng.

Xin cảm ơn ông đã tham gia cuộc trao đổi!.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước