Trước dư luận gần đây, đặc biệt, các doanh nghiệp bất động sản cho rằng một số thông tư, như Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ 1/9 tới còn nhiều điểm chưa hợp lý, có thể khiến doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn ngân hàng, sáng nay (17/8), Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp giữa Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan với đại diện một số hiệp hội và doanh nghiệp bất động sản lớn. Tại đây, các bên đã đưa ra nhiều ý kiến nhằm sớm tìm ra giải pháp cân bằng.
Thông tư 06 đề cập tới một loạt nhu cầu vốn không được cho vay. Các doanh nghiệp bày tỏ băn khoăn, các trường hợp này liệu có đồng nghĩa là trường hợp bị cấm cho vay như Luật Các tổ chức tín dụng hay không. Hơn nữa, việc không được vay để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần, nhất là những doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán là chưa thỏa đáng.
Phó Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp rà soát Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 và Thông tư số 03/2023/TT-NHNN ngày 17/4/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. (Ảnh VGP)
"Loại đối tượng đang cần được tái cơ cấu lại, chưa lên sàn, như vậy việc giao dịch mua bán, sáp nhập, cần tái cơ cấu thời điểm này sẽ bị đóng băng", ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, nêu ý kiến.
"Không quy định cấm chủ đầu tư đi vay trực tiếp, cấm ở đây là cấm nhà đầu tư khác không phải chủ đầu tư đi vay để góp vốn vào hợp đồng đầu tư, hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng hợp tác kinh doanh để cùng chủ đầu tư thực hiện dự án đó", ông Đoàn Thái Sơn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết.
Liên quan đến việc thông tư quy định không cho vay với các dự án "không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh", các doanh nghiệp cho rằng đây là câu gây khó hiểu nhất cho các doanh nghiệp bất động sản.
"Ở đây đang có sự nhầm lẫn giữa điều kiện kinh doanh, tức là điều kiện pháp lý của dự án hay là điều kiện mở bán. Các sở xây dựng quy định dự án nhà ở đô thị phải xong hạ tầng kỹ thuật toàn bộ dự án, tức là san nền, làm cống, làm rãnh, làm đường, đủ tất cả các thứ hạ tầng được nghiệm thu, lúc đó mới bắt đầu được mở bán", ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam, cho hay.
"Dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh thì quy định rất rõ ở Luật Kinh doanh bất động sản chứ không phải là không có quy định. Nếu như đã có giấy tờ về mặt pháp lý thì không ai cấm chủ đầu tư cả. Tuy nhiên hiện nay đang có hiện tượng chưa đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh đã làm dưới hình thức hợp đồng góp vốn đối với cả cá nhân", bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nói.
Về cho vay để bù đắp tài chính đối với các dự án có chi phí phát sinh, Thông tư 06 đang quy định dưới 12 tháng.
"Dự án đang vướng pháp lý, mà bảo dưới 12 tháng thì những dự án đó đều đã quá 12 tháng rồi. Kiến nghị tối thiểu là dưới 24 tháng, tốt nhất là dưới 36 tháng", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, đề xuất.
"Quan điểm của chúng tôi là hệ thống ngân hàng phải đảm bảo an toàn hoạt động. Đây đều là những rủi ro tích tụ. Chúng tôi phải kiểm soát được rủi ro, kiểm soát tín dụng vào những lĩnh vực rủi ro và phải đảm bảo an toàn hệ thống, giảm thao túng, không sân trước sân sau", bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhận định.
Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu kỹ lưỡng những kiến nghị, đề xuất xác đáng để có giải pháp điều chỉnh phù hợp, đúng pháp luật.
Trước đó, tại công văn hỏa tốc vào chiều qua (16/8), Thủ tướng Chính phủ đã giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì họp ngay với thống đốc Ngân hàng Nhà nước và các bộ liên quan đến Thông tư 06 và Thông tư 03, báo cáo lại Thủ tướng chính phủ trước Chủ nhật tuần này (20/8).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!