Phòng tránh rủi ro trong thanh toán quốc tế

Linh Thủy-Chủ nhật, ngày 06/08/2023 10:18 GMT+7

VTV.vn - Năm 2022, khoảng 50% số DN xuất khẩu được hỏi từng có nguy cơ bị rủi ro thương mại quốc tế, nghĩa là cứ 2 DN, có 1 DN đối mặt với việc giao hàng mà không nhận được tiền.

Những ngày vừa qua, cơ quan chức năng Việt Nam tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cùng với các cơ quan chức năng Dubai đã vào cuộc để sớm đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp Việt Nam, sau khi xuất khẩu 5 lô hàng nông sản, giá trị hơn nửa triệu USD nhưng chưa được thanh toán.

Theo khảo sát từ PwC Việt Nam, năm 2022, khoảng 50% số doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam được hỏi từng có nguy cơ bị rủi ro thương mại quốc tế, nghĩa là cứ 2 doanh nghiệp, có 1 doanh nghiệp từng đối mặt với nguy cơ giao hàng mà không nhận được tiền trong giao dịch quốc tế, chủ yếu nằm ở khâu thanh toán.

Hàng loạt doanh nghiệp mất tiền lên tới hàng triệu USD năm 2016 là một bài học đau xót và chưa bao giờ cũ của ngành thủy sản.

Sự việc xảy ra với một "Doanh nghiệp ma" có tên là Echopack địa chỉ tại Canada nhưng ngân hàng đăng ký thanh toán tại New Zealand. Dấu hiệu đáng ngờ đầu tiên này đã bị các doanh nghiệp Việt Nam bỏ qua.

Phòng tránh rủi ro trong thanh toán quốc tế - Ảnh 1.

Bốc xếp container hàng hóa xuất khẩu lên tàu chở hàng tại Cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Báo Nhân dân)

Kế đến, chứng từ L/C được mở có 2 điều khoản. Thứ nhất, bên nhập khẩu được dùng một vận đơn để lấy hàng ra kiểm dịch. Thứ hai, chữ ký bên nhập khẩu trên hồ sơ mở tại ngân hàng, phải trùng với chữ ký trên hợp đồng mua bán giữa 2 doanh nghiệp mới được thanh toán.

Hậu quả là đối tượng lấy được hàng ra với lý do kiểm dịch. Còn hồ sơ yêu cầu thanh toán của Việt Nam bị từ chối với lý do chữ ký trên hợp đồng giao kết hai bên không trùng khớp với chữ ký đối tượng đã mở trên hồ sơ tại ngân hàng ở New Zealand.

"Những điều khoản về giải quyết khiếu nại tố cáo khá là sơ sài, thậm chí không có. Thư xác nhận tín dụng hay bao thanh toán đến một số dịch vụ chúng tôi thấy ngân hàng đã có. Các doanh nghiệp đối với khách hàng mới và khách hàng trung gian nên sử dụng tối đa", ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, cho biết.

Phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa có nhiều kinh nghiệm và chỗ đứng trên thị trường quốc tế, đây chính là một trong những lý do khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam chịu thiệt thòi, thậm chí nhượng bộ về các điều khoản thanh toán với đối tác nước ngoài. Khảo sát trong năm 2020 cho thấy, các đối tuợng lừa đảo doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu chủ yếu đến từ châu Phi, đến nay đã mở rộng ra các thị trường như Hà Lan, Hoa Kỳ, Canada, UAE…

Các trọng tài quốc tế khuyến cáo 4 yếu tố để cân nhắc lựa chọn phương thức thanh toán gồm: đặc điểm của ngành hàng/loại hàng xuất khẩu; giá trị thương vụ; khoảng cách về không gian địa lý và quan trọng nhất là sự am hiểu về đối tác, thị trường.

"Các cơ quan thương mại của Bộ Công Thương, Đại sứ quán các nước có thể hỗ trợ doanh nghiệp, ngoài việc tổ chức các buổi hội thảo giới thiệu sản phẩm, đồng thời tìm kiếm thông tin về các đối tác đó", Luật sư Bùi Quang Hưng, Văn phòng Luật sư BQH và Cộng sự, nhận định.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị hiện chưa có phương thức thanh toán nào là hoàn hảo. Trong bối cảnh đơn hàng giảm mạnh trên toàn cầu, việc có được những đơn hàng mới, số lượng lớn, ở những thị trường mới có thể khiến doanh nghiệp mất cảnh giác gây thiệt hại lớn.

Gia tăng lừa đảo thương mại quốc tế: Cần thận trọng trong giao dịch Gia tăng lừa đảo thương mại quốc tế: Cần thận trọng trong giao dịch

VTV.vn - Để tránh được những vụ việc lừa đảo, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ đối tác, nâng cao hiểu biết và lựa chọn các hình thức giao dịch phù hợp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước