Phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp Việt ít chủ động

Trịnh Huyền-Thứ tư, ngày 07/04/2021 11:05 GMT+7

VTV.vn - Doanh nghiệp Việt vẫn còn chưa quen và chưa chủ động để sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động khởi xướng 22 vụ kiện phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước sức ép từ hàng hóa nhập khẩu và đã có quyết định điều tra từ Bộ Công Thương. Con số này rất nhỏ so với quy mô xuất nhập khẩu của Việt Nam và cũng là khiêm tốn so với tổng số khoảng 9.000 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại trên toàn thế giới.

Phòng vệ thương mại là công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất nội địa, trước hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt hiện còn chưa quen và chưa chủ động để sử dụng công cụ này.

Mặt hàng thép là mặt hàng doanh nghiệp Việt Nam đã có kinh nghiệm khởi kiện điều tra chống bán phá giá khi một nửa trong số 12 vụ kiện chống bán phá giá là mặt hàng thép. Mặc dù gần đây xu hướng các doanh nghiệp Việt sử dụng các biện pháp phòng về gia tăng. Tuy nhiên, tính chủ động của doanh nghiệp vẫn chưa cao, một phần được cho cũng vì bỡ ngỡ và khó khăn trong khâu làm thủ tục.

"Với 22 vụ phòng vệ thương mại chúng ta đã tiến hành cho đến thời điểm hiện tại thì chỉ một vài vụ việc là được khởi xướng bởi doanh nghiệp Việt Nam, còn lại được khởi xướng bởi doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, vốn ở nước họ, họ đã quen thuộc sử dụng các công cụ này rồi. Tuy nhiên, nếu điều này có thể được mở rộng ra cho các doanh nghiệp nội địa khi đó mình mới có thể hy vọng công cụ phòng vệ thương mại sử dụng để bảo vệ những lợi ích chính đáng của doanh nghiệp", bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI cho hay.

Phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp Việt ít chủ động - Ảnh 1.

Mặt hàng thép là mặt hàng doanh nghiệp Việt Nam đã có kinh nghiệm khởi kiện điều tra chống bán phá giá. Ảnh minh họa - Dân trí.

Theo Bộ Công Thương, phòng vệ thương mại có 3 biện pháp: Chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Trong đó, công cụ chống bán phá giá được sử dụng phổ biến nhất bởi đây là một biện pháp kĩ thuật. Khi áp dụng theo đúng quy định của WTO thì không 1 thành viên nào của WTO có thể phản đối được.

Bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương cho biết: "Những mặt hàng đang được Bộ Công Thương áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại thì theo tính toán của chúng tôi cho đến nay đã góp phần bảo vệ cho công ăn việc làm của gần 200.000 lao động trực tiếp trong các ngành đó và hàng triệu lao động trong các ngành gián tiếp tiếp theo, cũng như đang góp phần bảo vệ cho khoảng gần 7% tổng sản lượng GDP trong nước".

Dù hữu ích, tuy nhiên để hoàn thiện hồ sơ vụ việc phòng vệ thương mại, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đáp ứng được nhiều bước như: Cung cấp số liệu chứng minh thiệt hại của ngành sản xuất trong nước từ những hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu; số liệu xuất nhập khẩu, thông tin mặt hàng tại các thị trường nước ngoài.

Bên cạnh đó là chi phí tốn kém để theo đuổi một vụ kiện. Bộ Công Thương đang thực hiện một loạt đề án, chương trình để hỗ trợ ngành sản xuất trong nước tăng cường sử dụng các biện pháp này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước