Quá nhiều mẫu chè xuất khẩu không đạt chuẩn

Sỹ Khỏe-Thứ tư, ngày 19/12/2012 18:22 GMT+7

Chất lượng không ổn định cùng với việc không có thương hiệu đã khiến sản phẩm chè của Việt Nam luôn bị ép giá khi xuất khẩu. Ảnh: VnEconomy

Có quá nhiều mẫu chè gửi đi kiểm nghiệm chất lượng ở nước ngoài không đạt chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Nguyên nhân chủ yếu do không kiểm soát được quá trình sản xuất từ trồng đến chăm sóc, thu hái, chế biến và bảo quản...

Năm 2012, Việt Nam đã xuất khẩu 150.000 tấn chè, tăng 15% so với năm 2011 và đạt khoảng 220 triệu USD. Tuy nhiên năm 2012 cũng là năm ngành chè phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức trong xuất khẩu, đó là tình trạng mẫu chè xuất khẩu không đạt chuẩn tiếp tục tái diễn. Mặc dù Bộ NN&PTNT và Hiệp hội Chè Việt Nam đã cảnh báo nhiều lần, nhưng tình hình vẫn rất phức tạp, hầu như chưa có chuyển biến.

Theo báo cáo của Hiệp Hội Chè Việt Nam tại Hội nghị về sản xuất, tiêu thụ chè năm 2012 vừa được tổ chức tại Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, ngành chè đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn. Trong số 93 mẫu chè của các công ty, doanh nghiệp gửi đi phân tích tại Đức, có tới 49 mẫu phát hiện tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp Hội Chè Việt Nam cho biết: “Thị trường châu Âu đã rất khó vào, nay một số khách hàng lớn như Afghanistan, Nga, Trung Quốc, các nước Trung Đông… chuẩn bị áp theo tiêu chuẩn của EU, bởi vậy ngay từ bây giờ các cơ sở chế biến chè phải chấn chỉnh hoạt động, nếu không sẽ rất khó khăn”.

Thực tế việc sản xuất, chế biến chè nhiều năm nay luôn trong tình trạng không thể kiểm soát được việc sử dụng thuốc trừ sâu và các loại hóa chất. Do đó tỷ lệ số mẫu chè không đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn luôn rất cao và chiếm hơn nửa số mẫu gửi đi kiểm nghiệm.

Theo ông Đoàn Anh Tuân, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam: “Cả nước hiện có trên 300 cơ sở chế biến chè lớn nhỏ, công nghiệp và thủ công thì có tới 85% cơ sở mua nguyên liệu trôi nổi không kiểm soát được chất lượng, 10% có hợp đồng mua bán giữa nhà máy với hộ dân trồng chè, chỉ 5% số nhà máy có vùng nguyên liệu riêng để phục vụ chế biến. Điều này là rất đáng báo động”.

Thực tế năm 2012, nhiều sản phẩm chè từ các doanh nghiệp có uy tín vẫn giữ được chất lượng, đảm bảo được uy tín với khách hàng trong và ngoài nước, đem lại nguồn lợi lớn, giữ được thương hiệu chè Việt. Tuy nhiên người tiêu dùng trong nước cũng từng được biết, dồn dập trong mấy năm trở lại đây, tình trạng tư thương nước ngoài tràn vào các vùng chè lớn của Việt Nam mua chè cả cành, sao chè trộn bùn đất rồi đưa đi các Hội chợ quốc tế để làm mất thương hiệu chè Việt Nam, nhằm tranh giành thị trường. Bởi vậy ngành chè không chỉ tăng cường cảnh giác với kẻ xấu từ bên ngoài, mà phải tự đổi mới, nâng cao ý thức tạo nên các sản phẩm chè chất lượng, bền vững.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước