Dự án điện gió Liên Lập - dự án mới nhất ở Quảng Trị tính đến thời điểm này - đang đẩy nhanh tiến độ thi công để có thể phát điện trong quý III năm nay.
Ở vùng Khe Sanh, Hướng Hóa - nơi nổi tiếng với sự khắc nghiệt của gió mùa Tây Nam dần hình thành những cánh đồng điện gió.
Chính sự khác biệt về vận tốc gió lớn 6 - 7m/giây đang trở thành một lợi thế để địa phương này kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển năng lượng tái tạo.
Ông Lê Quang Vĩnh - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị - cho biết: "Chúng tôi tập trung cho công tác quy hoạch, đặc biệt là bổ sung các dự án năng lượng của tỉnh. Hiện nay chúng tôi đã trình Bộ Công Thương trên 70 dự án với tổng công suất hơn 10.000 MW. Chúng tôi cũng đã đề xuất Ủy ban tỉnh đốc thúc việc triển khai thực hiện các dự án truyền tải trên địa bàn để giải tỏa các nguồn điện hiện nay".
Phát triển năng lượng ở Quảng Trị đã được quy hoạch bài bản, có tầm nhìn chiến lược. Khu vực ngoài khơi, Quảng Trị gần nhất với các mỏ khí Báo Vàng và Kèn Bầu được ưu tiên cho điện khí.
Ở phía Tây, chỉ riêng 83 dự án điện gió đã được quy hoạch và đề xuất bổ sung quy hoạch với tổng công suất hơn 5.600 MW. Kế hoạch này nếu thành công, ngân sách Quảng Trị sẽ thu được 3.500 tỷ đồng/năm. Còn vùng cát trắng phía Đông, rất khó khăn để phát triển nông nghiệp nay được định hướng để phát triển điện mặt trời. Kết nối 2 vùng phát triển điện năng ở phía Tây và Đông, đây là một động lực để bứt phá.
Trong định hướng 10 năm tới, ở đây "gió Lào và nắng" sẽ là dư địa cho sự phát triển bền vững. Một lộ trình đã được hoạch định cụ thể và rõ ràng để đưa Quảng Trị sớm cán đích, trở thành trung tâm năng lượng miền Trung vào năm 2030, ghi dấu ấn về sự thay đổi, cải thiện cuộc sống của đồng bào dân tộc Vân Kiều và Tà Ôi sống bên dãy Trường Sơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!