Quốc hội thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, có gì khác?

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ hai, ngày 22/05/2017 10:06 GMT+7

VTV.vn - Việc thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ là tiền đề vô cùng quan trọng để thực hiện mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020.

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV chính thức khai mạc ngày 22/5. Đây có lẽ là kỳ họp được cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) cũng như cộng đồng khởi nghiệp (start-up) mong đợi, bởi trong số 13 dự án luật mà Quốc hội sẽ xem xét, thông qua có Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Quốc hội thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, có gì khác? - Ảnh 1.

Số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện chiếm 98%, đóng góp gần 1/2 cho GDP và đóng góp ngân sách Nhà nước 41%. Nhưng có một thực tế khác, một sự tương phản khác là mặc dù quy mô các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam ngày càng lớn nhưng tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ ngày càng cao, từ 25% năm 2010 tăng vọt lên 66% năm 2015, tăng gấp 3 lần. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế giảm đến 16% chỉ trong vòng 2 năm 2010- 2012. Hệ quả là những cái chết yểu.

Thời điểm 2015, cộng đồng khởi nghiệp chứng kiến cái chết yểu của hai website Beyeu.com và Deca.vn - những trang thương mại điện tử được hậu thuẫn bởi các đơn vị có tiềm lực.

Beyeu.com khi đó đóng cửa cùng lời nhắn khiến cộng đồng startup không khỏi sốc: "Thương mại điện tử cần rất nhiều tiền. Nhiều công ty quyết định không đốt tiền nữa. Chúc may mắn cho những người đang tiếp tục cố gắng".

Thực tế, việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng được đề cập rất nhiều. Đã có một số chính sách hỗ trợ như cho vay vốn từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, bảo lãnh tín dụng thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng ở các địa phương. Vậy việc Quốc hội thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, có gì khác?

Quốc hội thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, có gì khác? - Ảnh 2.

Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng giải quyết vấn đề như tiếp cận tín dụng, mở rộng thị trường và đặc biệt ưu đãi thuế nhưng mấu chốt ở đây là việc luật hóa. Khi đã được luật hóa, các đơn vị liên quan phải tuyệt đối tuân thủ. Tránh tình trạng ngồi chơi xơi nước của các Quỹ bảo lãnh tín dụng như Thời báo Kinh tế Sài Gòn từng có bài viết. Và việc luật hóa này cũng sẽ là tiền đề vô cùng quan trọng để thực hiện mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020.

Báo Đầu tư số ra sáng 22/5 phân tích: "Nếu được thông qua, nhiều khả năng trong Kỳ họp Quốc hội thứ 4 diễn ra vào cuối năm nay, Bộ Tài chính sẽ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc trình Quốc hội dự thảo nghị quyết về một số giải pháp về thuế trên tinh thần giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cho SME và start-up xuống 17% hoặc thấp hơn".

Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản từng khuyến nghị Việt Nam cần áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp như các quốc gia khác. Ở Thái Lan, thuế này là 15% và ở Indonesia là 12,5%. Khi đó, những doanh nghiệp yếu thế, quy mô nhỏ sẽ có điều kiện tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Liệu Việt Nam sẽ có 1 triệu doanh nghiệp, liệu Việt Nam sẽ có những cái tên tầm cỡ thế giới ra đời từ hoạt động start-up như Facebook, Uber, Grab...? Điều đó chỉ có thể trở thành hiện thực khi Nhà nước có cơ chế, chính sách mạnh mẽ, cụ thể.

Khai mạc Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV Khai mạc Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV Kiến nghị và kỳ vọng của cử tri trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV Kiến nghị và kỳ vọng của cử tri trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV Thủ tướng quyết giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp Thủ tướng quyết giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước