Ảnh minh họa. (Nguồn: NLĐ)
Bộ GTVT vừa quyết định giảm đến hơn 92 năm thu phí đối với 13 dự án BOT. Trong đó, có dự án giảm đến hơn 2/3 thời gian thu phí. Việc điều chỉnh này là do giá trị quyết toán của dự án thấp hơn tổng mức đầu tư ban đầu. Vậy quy trình lập dự án để tính toán tổng mức đầu tư và thời gian thu phí như thế nào?
Bộ GTVT lập báo cáo khả thi để xác định tổng mức đầu tư của dự án BOT. Đây sẽ là giá trị để xác định thời gian hoàn vốn tạm tính và đàm phán với nhà đầu tư. Việc xác định thời gian tạm tính này sẽ được thực hiện bằng cách kiểm đếm lưu lượng phương tiện tại vị trí đặt trạm thu phí trong một số ngày như ngày đầu tuần, cuối tuần và ngày lễ.
Sau khi được lựa chọn, nhà đầu tư sẽ lập dự toán cho dự án bao gồm các chi phí xây dựng, lãi vay, dự phòng trượt giá và nguyên vật liệu. Khi dự án hoàn thành, nhà đầu tư sẽ quyết toán giá trị thực tế xây dựng dự án. Đây là giá trị cuối cùng để quyết định thời gian thu phí.
Cũng theo đại diện Bộ GTVT, bước lập dự án không thể tính chính xác chi phí thực tế đầu tư. Do vậy, sau khi quyết toán Bộ sẽ cập nhật lại lưu lượng xe, các thông số tài chính để tính toán lại thời gian thu phí.
Đối với dự án tuyến tránh thành phố Thanh Hóa giảm thời gian thu phí đến hơn 20 năm, sai số gần 70%, đại diện Bộ GTVT cho biết, dự án này cũng đã được Thanh tra Chính phủ kiểm tra và kết luận có sai sót trong quá trình lập dự án.
Việc quyết toán vốn đầu tư thực tế của dự án BOT để tính toán lại thời gian thu phí, sẽ tránh được việc người dân phải đóng phí không đúng với giá trị mà chủ đầu tư bỏ ra để làm đường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!