Có thể nói, xuất khẩu rau quả đang được xem là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam. Nhưng vấn đề mà nhiều người đặt ra lúc này là làm thế nào để mức tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu đi vào thực chất, đem lại hiệu quả hơn cho bà con nông dân. Điều này được đặt ra trong bối cảnh nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong năm nay cũng đang tăng kỷ lục. Trong buổi họp báo mới đây, đại diện Bộ NN&PTNT cũng đã có câu trả lời chính thức về vấn đề này.
8 tháng qua, Việt Nam đã chi hơn 1 tỷ USD để nhập khẩu rau quả, tăng gần 94% so với cùng kỳ năm 2016. Thái Lan là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất vào Việt Nam với gần 62% tổng kim ngạch, chủ yếu là măng cụt, bòn bon, nhãn, mít…
Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Bảo vệ Thực vật khẳng định, hầu hết các loại rau quả từ Thái Lan đều là hàng tạm nhập tái xuất.
Ở chiều ngược lại, lãnh đạo Cục Bảo vệ Thực vật cũng cho biết, hầu hết các loại trái cây của Việt Nam đều có thể xuất khẩu sang thị trường Thái Lan. Ví dụ như thanh long, một mặt hàng mà Thái Lan cũng rất có tiềm năng, nhưng mỗi năm Việt Nam cũng có thể xuất khẩu khoảng 10.000 tấn sang thị trường này. Việc mở rộng thị trường nhập khẩu cho trái cây cũng đang được xúc tiến.
Theo nhiều chuyên gia, nhu cầu của thế giới về rau củ quả đang không ngừng tăng lên. Đây là cơ hội cho ngành nông nghiệp Việt Nam chuyển hướng. Vấn đề còn lại là bà con nông dân cần sản xuất theo đúng quy chuẩn chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!