Việc cắt ghép Phụ lục để làm giả giấy phép lưu hành 800 vật tư thuỷ sản từ tháng 4/2015 nhằm thu lợi bất chính của một số cán bộ Tổng cục thủy sản, Bộ NN&PTNT là hành vi lợi dụng quyền hạn để “bán” giấy phép. Vậy Bộ NN&PTNT đang làm gì để bảo vệ quyền lợi của người nuôi trồng thủy sản?
Theo điều tra trong kết luận của Thanh tra Bộ NN&PTNT, mỗi vật tư thủy sản đươc đưa vào phụ lục cắt ghép, ông Bùi Văn Quý, nguyên giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định Nuôi trồng thuỷ sản nhận được 5 triệu đồng. Chưa kể các chi phí giao dịch khác.
Như vây, với 800 sản phẩm lưu hành bất hợp pháp, số tiền thu lời bất chính có thể lên đến hơn 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đại diện Tổng cục Thuỷ sản, đến thời điểm này, Tổng cục mới chỉ thu hồi được 1/4 số tiền đó.
Cũng theo đại diện Tổng cục Thủy sản, sau khi phát hiện sai phạm, đơn vị này đã thu hồi các văn bản có các phụ lục bị cắt ghép ở các chi cục. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc thu hồi này không có nhiều ý nghĩa. Lý do là vì 72 doanh nghiệp “mua” giấy phép lưu hành đã sao chép thành nhiều bản để công bố.
Và nguy hiểm nhất là 800 vật tư thủy sản đã được cấp phép bất hợp pháp vẫn đang lưu hành trên thị trường. Không biết chất lượng các vật tư này như thế nào, rủi ro đang dồn cho những người nuôi trồng thủy sản. Nhiều người đang bức xúc tại sao Bộ NN&PTNT vẫn từ chối công bố danh mục 800 sản phẩm bất hợp pháp và tên các doanh nghiệp gian dối.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!