Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến sẽ tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết để chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, chính sách đặc thù nêu trong Nghị quyết của Quốc hội, nhất là các chính sách liên quan đến huy động nguồn lực đầu tư, rút ngắn tiến độ.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, ngay sau khi dự án được thông qua chủ trương đầu tư, sẽ lựa chọn nhà thầu tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi. Phối hợp cùng Bộ Tài chính và các bộ ban ngành liên quan để rà soát nguồn vốn đầu tư, đánh giá tác động về tài chính, kinh tế - xã hội.
Ông Chu Văn Tuân - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải cho hay: "Đến năm 2027, dự kiến chúng ta khởi công thì quy mô kinh tế của chúng ta đạt 560 tỷ USD. Với cái quy mô tiềm lực nền kinh tế của chúng ta như thế thì hoàn toàn có thể đáp ứng được".
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ được đề xuất đầu tư theo hình thức đầu tư công bằng cả vốn ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ và vốn vay. Đối với việc bố trí vốn qua các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng sẽ được xác định với từng phần dự án
Ông Trần Thiện Cảnh - Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho hay: "Phần hạ tầng mà chúng ta đang dự kiến là sử dụng nguồn đầu tư công và phần phương tiện, thiết bị thì sẽ sử dụng vốn vay và sau đấy sẽ giao cho Tổng công ty đường sắt Việt Nam là đơn vị kinh doanh và trả nợ cái vốn vay đó".
Ông Nguyễn Danh Huy - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết: "Trong năm 2025 cho dự án chúng tôi đã tính toán khoảng 538 tỷ, và toàn bộ nguồn vốn này thì Bộ Giao thông Vận tải đã cân đối trong số vốn đầu tư công trung hạn đã được phân bổ cho Bộ Giao thông Vận tải từ những dự án giảm do quyết toán giá trị hoàn thành. Đối với giai đoạn 2026 – 2030 chúng tôi cũng đã xây dựng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn để gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm cơ sở tổng hợp trình Chính phủ và trình Quốc hội".
Đánh giá của Bộ Tài chính cũng cho thấy, đến năm 2030 dự án hoàn toàn đáp ứng được 3 tiêu chí về an toàn nợ công, nợ Chính phủ và nợ quốc gia đều thấp hơn mức cho phép từ 5 đến 15%. Vì vậy, các cơ chế đặc thù sẽ được nhanh chóng xây dựng đáng chú ý như sẽ được phát hành trái phiếu Chính phủ để bổ sung dự toán và kế hoạch đầu tư hàng năm.
Bà Lê Đào An Xuân, Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên cho rằng: "Cách điều hành mạnh mẽ và quyết liệt như thời gian vừa qua, kinh nghiệm chỉ đạo thực hiện các dự án như cao tốc Bắc - Nam, dự án đường dây 500kV mạch 3; tôi cho rằng việc cân đối nguồn lực để đầu tư và việc hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035 là khả thi".
Ngoài các cơ chế đặc thù cần xây dựng thì sự sẵn sàng từ cấp trung ương tới từng địa phương, sự chủ động chuẩn bị tham gia của các doanh nghiệp Việt là rất cần thiết để nhanh chóng triển khai dự án đường sắt tốc độ cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!