Thông tin này đang gây ra áp lực rất lớn với các doanh nghiệp trong bối cảnh chưa từng có quy định cụ thể về việc kê khai và nộp thuế thay của các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn dẫn lời đại diện một doanh nghiệp cho rằng, khối lượng công việc đối với các sàn thương mại điện tử hiện nay là rất lớn với khoảng 35 triệu giao dịch mỗi ngày, trong khi không có cơ sở dữ liệu để kiểm soát các cá nhân chưa đến ngưỡng chịu thuế và cũng chưa có quy định cụ thể về cơ chế trao đổi thông tin để đảm bảo quyền lợi của các cá nhân nộp thuế.
Đại diện Lazada cho biết, doanh nghiệp hoạt động ở nhiều quốc gia khác nhau nên phần mềm ứng dụng được xây dựng thống nhất, việc thay đổi các yếu tố kỹ thuật để phục vụ công tác phối hợp trong quản lý thuế cần tính toán lại thời gian, lộ trình phù hợp với thực tiễn.
Hoạt động phân loại hàng hóa của một hãng thương mại điện tử. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)
Bên cạnh đó, đại diện Lazada cũng đề xuất ngành thuế cần có hướng dẫn cụ thể cơ quan cấp nào được quyền yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin và cung cấp những nội dung gì để đảm bảo an ninh an toàn thông tin, tránh vi phạm các luật chuyên ngành khác.
Trong khi đó, đại diện Shopee cho rằng ngành thuế cần có hướng dẫn để phân biệt rõ giữa cá nhân kinh doanh và hộ kinh doanh, do sàn giao dịch thương mại điện tử chỉ kê khai và nộp thuế thay cá nhân kinh doanh. Việc phân định rõ sẽ giúp các sàn nâng cấp ứng dụng và triển khai đúng theo tinh thần của Thông tư 40.
Ngoài ra, đại diện Shopee kiến nghị, ngành thuế cần có quy định để quản lý chặt các cá nhân bán hàng trên nền tảng mạng xã hội để đảm bảo công bằng.
Du lịch tiếp tục đầu tư cho thương hiệu chờ ngày mở cửa
Dù toàn ngành đang gần như "đóng băng", nhưng du lịch Việt Nam cần tiếp tục đầu tư chuyển đổi số để khẳng định thương hiệu và sẵn sàng cho ngày mở cửa đón khách quốc tế sau đại dịch.
Đu lịch Việt Nam cần tiếp tục đầu tư chuyển đổi số để sẵn sàng cho ngày mở cửa đón khách trở lại sau đại dịch. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Tờ Nhịp cầu Đầu tư dẫn phân tích của công ty nghiên cứu thị trường McKinsey cho rằng, trong trung hạn, Chính phủ Việt Nam cần hậu thuẫn cho các doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển du lịch trực tuyến để duy trì tốt năng lực cạnh tranh.
Minh chứng là một số quốc gia trong khu vực đang làm rất tốt việc này, như Newzealand đã "đóng gói" các trải nghiệm phong cảnh, con người và văn hóa vào một trò chơi điện tử hiện đại để du khách trải nghiệm trực tuyến, với mục tiêu thu hút du khách chọn ghé thăm quần đảo này đầu tiên, ngay sau khi biên giới quốc tế mở cửa trở lại.
Hay như Singapore đã thiết lập Chỉ số Chuyển đổi Du lịch nhằm giúp các doanh nghiệp nhận định điểm mạnh, xác định cơ hội và đưa ra khuyến nghị về các bước tiếp theo của quá trình chuyển đổi số. Một ví dụ khác là đảo Jeju của Hàn Quốc cũng đã rất thành công với xu hướng du lịch từ xa.
Với Việt Nam, chuyển đổi số đầu tiên là để thúc đẩy nhu cầu trong nước, bù đắp cho thu nhập bị mất từ khách quốc tế và sau đó là quảng bá hình ảnh một quốc gia kiểm soát đại dịch hiệu quả.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!