Sản xuất theo đơn đặt hàng để xuất khẩu

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 03/08/2024 08:42 GMT+7

VTV.vn - Nhà nông hiện nay đã chủ động sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, định hướng sản xuất đáp ứng yêu cầu của từng thị trường.

Sản xuất theo đơn đặt hàng để xuất khẩu

Xuất khẩu nông lâm thủy sản có tín hiệu tăng trưởng tích cực, 7 tháng tăng 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Để có kết quả này, một phần là do nhà nông hiện nay đã chủ động sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, định hướng sản xuất đáp ứng yêu cầu của từng thị trường.

Lễ Ký kết hợp đồng tiêu thụ và xuất khẩu thanh nhãn sang thị trường Hoa Kỳ và Australia giữa nông dân Cần Thơ và doanh nghiệp. Kết quả này là sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành nông nghiệp địa phương, doanh nghiệp và bà con trồng thanh nhãn trong 5 năm qua. Để đạt chuẩn xuất khẩu, doanh nghiệp đã cử cán bộ xuống tập huấn, hướng dẫn bà con làm theo quy trình.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T tâm sự: "Chúng tôi rất chuẩn chỉnh từ khâu trồng trọt, thu hoạch cũng như vận chuyển, thu hái làm sao để qua bên đó các trái được tốt nhất. Hiện nay, bà con đã đảm bảo được việc đó".

Xoài tượng xanh cũng là sản phẩm thế mạnh của Cần Thơ. Các thành viên của HTX nông nghiệp Lộc Hưng chọn canh tác theo quy trình sạch để xuất khẩu. Những đơn hàng đầu tiên đã nhận được phản hồi tích cực của đối tác, mở ra cơ hội mới cho bà con địa phương.

Ông Phan Văn Tây - Giám đốc HTX Nông nghiệp Lộc Hưng, TP. Cần Thơ cho biết: "Xuất khẩu hàng hóa bây giờ đòi hỏi phải sạch, đẹp cho nên người ta phấn khởi làm chứ không khó khăn gì. Làm cái này cũng nhiều năm, làm bên VietGAP khi trái xoài nhỏ là người ta đã bao rồi".

Ngoài giúp gia tăng thu nhập, trên hết là giúp nhà vườn làm quen với cách canh tác theo yêu cầu của nhà nhập khẩu. Đây là cơ sở để đưa mặt hàng xoài chinh phục thêm nhiều thị trường mới.

Với xu thế hiện nay, làm theo truyền thống sẽ rất khó tham gia thị trường xuất khẩu. Người tiêu dùng yêu cầu về chất lượng trái cây phải ngon, kèm theo đó là sạch, truy xuất được nguồn gốc. Muốn đáp ứng được những điều này, canh tác theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp là tất yếu.

Bà Phạm Thị Minh Hiếu - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP. Cần Thơ nêu ý kiến: "Bà con nông dân rất đồng thuận xây dựng các vùng trồng tập trung. Thứ hai là bà con thực hiện các quy trình sản xuất theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp. Thứ ba là bà con tham gia các lớp tập huấn".

Diện tích trồng cây ăn trái của Cần Thơ hơn 25.000 ha. Sản lượng đạt khoảng 223.000 tấn, trong đó có 4 loại trái cây đã xuất khẩu là sầu riêng, xoài, nhãn và vú sữa. Địa phương chú trọng xây dựng vùng trồng tập trung với 59 mã code đã được cấp. Đây là tiền đề quan trọng để định hướng cho nhà vườn sản xuất trái cây theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

Sản xuất theo đơn đặt hàng để xuất khẩu - Ảnh 1.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản có tín hiệu tăng trưởng tích cực

Thay đổi cách kết nối xuất khẩu hàng hóa

Không chỉ chủ động sản xuất theo đơn đặt hàng của thị trường, ngay cả cách tiếp cận thị trường cũng đang được các doanh nghiệp Việt Nam thay đổi. Thay vì xúc tiến theo kiểu đơn lẻ, các doanh nghiệp tổ chức kết nối xuất khẩu hàng hóa cùng một thời gian, tại một địa điểm, tiết kiệm và hiệu quả.

29 doanh nghiệp Hàn Quốc, 73 doanh nghiệp, hợp tác xã khu vực Tây Nguyên, những sản phẩm vốn là lợi thế của vùng đất Tây Nguyên được trưng bày và giới thiệu cặn kẽ đến các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Ông Seo Joo Hwa - Cơ quan Xúc tiến Giáo dục, công nghiệp, môi trường thế giới Hàn Quốc cho biết: "Tôi rất ấn tượng khi nhìn thấy những sản phẩm ở đây. Tôi nghĩ cần nhập khẩu những sản phẩm từ Việt Nam để trước hết cung ứng cho người Việt Nam tại Hàn Quốc và rộng hơn là người tiêu dùng ở nước chúng tôi".

Những năm qua, nhiều doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên năng động tìm kiếm đối tác Hàn Quốc qua những lần xúc tiến thương mại được các địa phương tổ chức. Còn lần này, hoạt động kết nối xuất khẩu hàng hóa quy tụ các doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên cùng tham gia.

Ông Hoàng Danh Hữu - Giám đốc điều hành Công ty Miss Ede, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: "Thay vì chúng tôi phải bỏ rất nhiều chi phí để mỗi lần bay qua Hàn Quốc để gặp được một đối tác duy nhất. Cục Xúc tiến đã tổ chức chương trình này giúp cho các doanh nghiệp có cơ hội kết nối trong cùng một thời gian ngắn được nhiều doanh nghiệp".

Nhờ vậy, dù thời gian không dài, nhưng khi trực tiếp gặp gỡ, các doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên và các doanh nghiệp Hàn Quốc dễ hiểu hơn về đối tác, từ đó tìm ra tiếng nói chung.

TS. Trần Hải Linh - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc nhận định: "Các doanh nghiệp của Hàn Quốc được bố trí riêng biệt theo từng nhóm chủ đề và các doanh nghiệp của từng địa phương với thế mạnh của từng địa phương như Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum… thì có những doanh nghiệp cùng chủ đề có thể gặp trực tiếp doanh nghiệp Hàn Quốc để cùng tìm hiểu, làm việc, trao đổi để có phương án hợp tác, sau đó Hiệp hội chúng tôi cùng ban tổ chức tổng hợp lại, xúc tiến hỗ trợ cho cả doanh nghiệp hai phía để đi đến được với nhau".

Năm ngoái, kim ngạch thương mại hai nước Việt Nam- Hàn Quốc đạt hơn 76 tỷ USD. Để đưa kim ngạch thương mại hai nước lên mức 150 tỷ USD vào năm 2030, cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm thì việc liên kết vùng trong hoạt động xúc tiến thương mại sẽ tập trung được nguồn lực để xuất khẩu theo quy mô chuyên nghiệp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước