Theo tờ Thời báo Phố Wall, sức ép thương mại do Mỹ tạo ra đang không chỉ gói gọn vào các đối tác chính như Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU), các nền kinh tế nhỏ bé hơn, nhưng phụ thuộc lớn vào thị trường tiêu thụ của Mỹ cũng dần trở thành mục tiêu.
Công cụ mà chính quyền Trump nhắm vào là chương trình có tên Chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Đây là chương trình ra đời từ năm 1976 nhằm hỗ trợ sự phát triển kinh tế của các nước nghèo, thông qua việc cấp ưu đãi miễn thuế với hàng nghìn mặt hàng xuất khẩu vào Mỹ.
Tuy nhiên, từ tháng 10/2017, chính quyền Mỹ đã khởi xướng một quy trình mới đánh giá lại tư cách hưởng ưu đãi thuế GSP của các quốc gia nhằm giành lại "sân chơi công bằng hơn cho doanh nghiệp Mỹ". Vòng đánh giá đầu tiên sẽ nhắm vào 25 quốc gia thuộc châu Á - Thái Bình Dương.
Theo bà Deborah Elms, Giám đốc điều hành của Trung tâm Thương mại châu Á tại Singapore: "Việc Mỹ sử dụng "con bài" xét lại ưu đãi thuế GSP đã buộc nhiều nước phải ngồi vào bàn đàm phán thỏa thuận thương mại song phương hoặc buộc họ nhượng bộ thương mại. Phương pháp này tỏ ra hiệu quả, bởi đơn giản, Mỹ là một thị trường quá rộng lớn".
Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia mới nhất bị Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ tuyên bố xem xét lại quy chế GSP với cáo buộc không tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Mỹ tiếp cận thị trường công bằng, chỉ ra nhiều loại thuế đánh vào hàng hóa nước này. Đây được xem là một trong những nguồn cơn trực diện gây ra cuộc khủng hoảng của đồng Lira những ngày qua.
Trước đó, những "nạn nhân" đầu tiên rơi vào danh sách 25 quốc gia châu Á bị xét lại việc áp dụng GSP là Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan và Kazakhstan... Đây đều là các nước có tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu được hưởng GSP lớn nhất vào Mỹ, thường chiếm từ 10-15% tổng giá trị xuất khẩu của từng nước.
Theo các chuyên gia, những cái tên nằm trong danh sách bị xét lại kể trên cũng chính là những bên có thâm hụt lớn trong cán cân thương mại với Mỹ tại khu vực châu Á.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!