Đây là một trong những giải pháp của Chính phủ nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế cần những nguồn vốn bù đắp vào sự sụt giảm của các lĩnh vực khác do dịch COVID-19. Động thái này đã buộc nhiều bộ, ngành và địa phương thay đổi tư duy, điều hành đầu tư công nhằm xóa bỏ nghịch lý: "Dự án có vốn nhưng không triển khai được trong khi nhiều dự án có điều kiện thi công nhưng lại không có vốn".
Năm nay nguồn vốn đầu tư công có khoảng 700.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 4, tiến độ giải ngân vẫn còn chậm, trong đó, 12 địa phương chưa phân bổ hết số vốn được giao, 13 Bộ, ngành tỷ lệ giải ngân đạt dưới 1%.
Theo các nhà phân tích, cần có những chế tài rõ ràng hơn về trách nhiệm người đứng đầu trong công tác giải ngân
Ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, cho biết: "Đây là vấn đề rất quan trọng để đẩy nhanh tiến độ nhưng đồng thời cũng làm rõ trách nhiệm các ngành, các cấp trong vấn đề triển khai dự án cũng như trong vấn đề đảm bảo triển khai chậm tiến độ và đảm bảo chất lượng công trình, thậm chí cả giá cả công trình".
Tinh thần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công đã và đang được lan tỏa từ Chính phủ đến các cấp, bộ, ngành. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 40 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công. Theo đó, cơ quan nào không phân bổ hết vốn được giao cũng sẽ bị xem xét thu hồi, điều chuyển cho các đơn vị khác có nhu cầu trước ngày 30/6 hằng năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!