Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo lấy ý kiến với Thông tư quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng. Theo dự thảo mới, hệ số rủi ro mà các nhà băng phải áp dụng khi trích lập dự phòng cho các khoản vay cá nhân dư nợ từ 3 tỷ đồng sẽ là 150%, gấp 3 lần so với trước. Thông tin này ngay lập tức thu hút sự quan tâm của giới đầu tư, kinh doanh bất động sản.
Với kinh nghiệm hơn 10 năm đầu tư trên thị trường, ông Vinh cho biết, một căn chung cư diện tích khoảng 100m2, có vị trí tương đối đẹp tại Hà Nội, đã có giá trung bình từ 3 - 4 tỷ đồng/căn. Còn nhà biệt thự, liền kề có giá từ 7 - 8 tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng. Với số tiền lớn như vậy, đa số người dân phải sử dụng đến vốn vay ngân hàng.
Theo phân tích từ phía ngân hàng, việc tăng hệ số rủi ro đối các khoản vay trên 3 tỷ đồng sẽ ảnh hưởng tới lãi suất cho vay.
Tại các nước khác, kênh dẫn vốn cho bất động sản đa dạng hơn rất nhiều từ chứng khoán, các quỹ đầu tư. Trong khi tại Việt Nam chỉ 3 nguồn là vốn từ chủ đầu tư, ngân hàng, khách hàng. Trong đó, ngân hàng chiếm số lớn và là đòn bẩy tài chính thúc đẩy thị trường bất động sản. Các DN cho rằng, siết chặt tín dụng không khác gì cắt nguồn sống của thị trường.
Theo nhiều chuyên gia, giữ một thái độ thận trọng với tín dụng BĐS là cần thiết, tuy nhiên, yếu tố thị trường cũng cần được các cơ quan quản lý cân nhắc và có lộ trình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!