Vsmart Aris 5G là smartphone đầu tiên của Việt Nam có kết nối 5G, nhưng đã không kịp thương mại hóa trước khi Vsmart đưa ra thông báo "ngừng sản xuất". (Ảnh: Dân trí)
Câu chuyện một thương hiệu điện thoại thông minh lớn trong nước chia tay thị trường gần đãy đã chứng minh trong thời gian qua, không doanh nghiệp nào chịu nổi chiến lược chấp nhận lợi nhuận thấp để chiếm lĩnh thị trường của các nhà sản xuất Trung Quốc.
Theo Strategy Analytics, từ con số 1% thị phần toàn cầu trong 2 thập kỷ trước, các hãng điện thoại Trung Quốc nay đã chiếm ưu thế với 57% thị phần. Tờ Nhịp cầu Đầu tư dẫn ý kiến một chuyên gia: "Tương lai không xa có thể tất cả điện thoại bán ra ngoài Apple và Samsung, còn lại là điện thoại của các thương hiệu Trung Quốc".
Vậy cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt tham gia thị trường điện thoại thông minh khi cánh cửa dường như đang đóng hẳn? Bài viết chia sẻ về một cánh cửa khác đang hé mở.
Theo thống kê, doanh thu ứng dụng di động năm 2020 là hơn 580 tỷ USD, tăng 126%, trong khi doanh thu điện thoại chỉ đạt 409 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ.
Trên thực tế, đã có các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vươn ra toàn cầu nhờ bắt kịp xu hướng này như nhà sản xuất ứng dụng âm nhạc Amanotes hay ứng dụng dạy tiếng Anh Elsa. Đại diện các doanh nghiệp cho rằng bên cạnh vốn đầu tư, một lợi thế của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia thị trường này là tận dụng được nguồn nhân lực lập trình viên chất lượng trong nước.
Đa phần các công ty ứng dụng di động thành công đều có tuổi đời trung bình từ 5 năm trở lên. Điều này cho thấy dù sở hữu nhiều lợi thế về vốn và nhân lực so với đầu tư phần cứng nhưng phát triển ứng dụng di động đòi hỏi doanh nghiệp tập trung không kém.
Nỗi ám ảnh thứ hạng của doanh nghiệp nghìn tỷ
Doanh nghiệp nghìn tỷ khổ vì 10 triệu đồng. Báo Đầu tư có bài viết về câu chuyện xảy ra với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong mùa đánh giá xếp loại doanh nghiệp nhà nước.
Do một vài sơ suất kỹ thuật, tính toán, EVN nhận được giấy phạt vì chậm nộp thuế 10 triệu đồng. Do vậy, doanh nghiệp bị xếp hạng B, cho dù các tiêu chí khác đều tốt. Nếu doanh nghiệp tụt hạng, ngay lập tức, quỹ lương, thưởng trong năm sẽ bị ảnh hưởng, hàng trăm ngàn cán bộ, công nhân viên sẽ chịu tác động.
Không riêng EVN, câu chuyện này nói lên nỗi ám ảnh chung của doanh nghiệp nhà nước khi nhìn vào các tiêu chí xếp hạng A, B, C hiện nay.
Doanh nghiệp làm tốt không được công nhận là một việc cũng bức xúc nhưng doanh nghiệp kém hiệu quả mà không được nhìn ra thì có phần đáng lo hơn.
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) thừa nhận, việc phân loại không phản ánh chính xác thực trạng của doanh nghiệp nhà nước, vì vậy không đủ chất lượng cho các hoạt động giám sát doanh nghiệp nhà nước của các cơ quan quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến việc cảnh báo, phát hiện sớm sai phạm... và sẽ phải bỏ cách xếp hạng A, B, C như hiện nay quá tập trung vào các chỉ tiêu tài chính, hơn là khả năng lãnh đạo của người quản lý và kết quả quản lý chung.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!