Số phận 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ sẽ ra sao?

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 05/07/2017 21:44 GMT+7

VTV.vn - Câu hỏi được rất nhiều người băn khoăn hiện nay là số phận 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ đã tồn tại nhức nhối nhiều năm qua sẽ ra sao?.

Chiều nay (5/7), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp với các bộ ngành, các tập đoàn thuộc Bộ Công Thương liên quan tới việc xử lý 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ đã tồn tại nhức nhối nhiều năm qua. Cách đây không lâu, Bộ Công Thương cũng đã chính thức công bố hướng xử lý 12 dự án chậm tiến độ, thua lỗ, kém hiệu quả.

Những ngày qua, dư luận lại một lần nữa rộ lên câu hỏi: số phận của 12 dự án kém hiệu quả mà ngành Công Thương phụ trách sẽ đi về đâu khi Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa đề nghị Chính phủ đứng ra trả nợ thay cho Đạm Ninh Bình khoản vay 125 triệu USD từ Ngân hàng China Eximbank của Trung Quốc, còn Vinachem chỉ trả lãi và phí. Dự án Đạm Ninh Bình do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) làm chủ đầu tư, có công suất 560.000 tấn/năm, vốn đầu tư khoảng 667 triệu USD, tương đương 12.000 tỷ đồng. Kể từ khi bắt đầu đi vào hoạt động tới nay, dự án này liên tục thua lỗ, thậm chí năm 2016 phải dừng hoạt động một thời gian dài.

Theo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, trong 5 năm tới, dòng tiền của Công ty Đạm Ninh Bình vẫn âm và phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Tập đoàn Hóa chất để trả nợ. Bộ Tài chính nêu quan điểm rằng, việc Vinachem trả nợ thay cho Đạm Ninh Bình các khoản vay của ngân hàng trong nước nhưng lại đề xuất hoãn, giãn nợ vay Chính phủ là không phù hợp và có khả năng ảnh hưởng đánh giá hệ số tín nhiệm quốc gia. Nhưng, số phận của Nhà máy đạm Ninh Bình còn có dấu hiệu khả quan nhất so với 11 dự án còn lại. Hàng chục ngàn tỷ đồng từ ngân sách nhà nước đang dần bị rơi rớt và khó có khả năng thu hồi. Rất nhiều ý kiến cho rằng, cho dù là vốn đi vay thì cuối cùng gánh nặng phải trả lại đổ lên ngân sách nhà nước trong khi ngân sách đang vô cùng khó khăn.

Đã xuất hiện một số tín hiệu khả quan và tích cực trong số 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương. Mặc dù vậy, một số dự án, nhất là những dự án thuộc ngành dầu khí, tình trạng ì ạch vẫn cứ kéo dài. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng thời là Trưởng Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại yếu kém của ngành Công Thương đã nêu rõ quan điểm tại cuộc họp chiều nay (5/7) về chủ đề này đó là: Sẽ quy rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị nếu việc xử lý các dự án kém hiệu quả này không tiến triển.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước